Mỹ-EU hướng tới tự do thương mại và độc lập về khí đốt

Mỹ-EU đã thông qua tuyên bố chung về kế hoạch thành lập khu vực tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương và tăng cường an ninh năng lượng.
Mỹ-EU hướng tới tự do thương mại và độc lập về khí đốt ảnh 1Tổng thống Mỹ Obama (trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 26/3 ở thủ đô Brussels (Bỉ), hai bên đã thông qua tuyên bố chung nhấn mạnh sẽ thúc đẩy kế hoạch thành lập khu vực tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương, cũng như phối hợp hỗ trợ EU tăng cường an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, hai bên cũng tái khẳng định ủng hộ Ukraine và đe dọa trừng phạt kinh tế-thương mại đối với Nga nếu tình hình Ukraine tiếp tục căng thẳng.

Tham dự hội nghị có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso.

EU và Mỹ khẳng định kế hoạch ký kết Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nhằm thiết lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và tăng kim ngạch thương mại hai bên lên 160 tỷ USD/năm. Tổng thống Obama nhấn mạnh hiệp định này cũng sẽ giúp cung cấp khí đốt của Mỹ cho châu Âu, trong khi các nhà lãnh đạo EU bày tỏ hy vọng hiệp định sẽ giúp khôi phục nền kinh tế châu Âu sau khủng hoảng.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đàm phán TTIP giữa EU và Mỹ vừa kết thúc vòng thứ 4. Giới chuyên môn nhận định, một khi hiệp định có hiệu lực sẽ mang lại cho nền kinh tế EU 120 tỷ euro/năm và nền kinh tế Mỹ 95 tỷ euro/năm. Bên cạnh đó TTIP cũng sẽ loại bỏ hàng rào thuế quan và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hai bên xâm nhập thị trường của nhau.

Mỹ và EU cũng khẳng định EU cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng sau khi Nga sát nhập Crimea đồng thời hai bên đang xem xét hợp tác để đạt mục tiêu này. EU hoan nghênh khả năng nhập khẩu khí hóa lỏng của Mỹ trong tương lai, bởi việc này sẽ đem lại lợi ích cho châu Âu và các đối tác chiến lược khác. Hiện phần lớn khí đốt tiêu thụ ở EU là do Nga cung cấp.

Liên quan đến tình hình Ukraine, Mỹ và EU hoan nghênh việc Nga ủng hộ triển khai phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine cũng như cuộc gặp đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya bên lề Hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân tại La Haye (Hà Lan) ngày 24/3.

Mỹ và EU chủ trương giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine thông qua đối thoại, song tuyên bố sẽ phối hợp áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu tình hình tại Ukraine gia tăng căng thẳng.

Ngoài việc nhất trí về các vấn đề chính, hội nghị cũng đã có bất đồng khi lãnh đạo EU bày tỏ quan ngại với Tổng thống Obama liên quan tới vụ do thám của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đối với công dân, lãnh đạo và các thể chế của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục