Mỹ-Triều Tiên và trò chơi rủi ro vẫn chưa có hồi kết

Lại một lần nữa căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân trượt ra khỏi một cuộc đàm phán hòa bình đầy hứa hẹn diễn ra một năm trước đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28/2 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28/2 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin, lại một lần nữa căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân trượt ra khỏi một cuộc đàm phán hòa bình đầy hứa hẹn diễn ra một năm trước đây để rồi dẫn đến việc Triều Tiên "lăng mạ" Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Căng thẳng gần đây liên quan tới quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong Gun, khi ông tuyên bố sẽ chỉ nói chuyện với một “người chín chắn và thận trọng hơn.”

Ông Jong Gun đã nói những lời này trên hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, chỉ trích ông Pompeo vì “đưa ra những nhận xét thiếu thận trọng và mọi hình thức ngụy biện” đối với Triều Tiên mỗi ngày.

Ông này sau đó cũng thừa nhận Triều Tiên gần đây thử nghiệm một loại vũ khí chiến thuật mới, một loại vũ khí mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói “sẽ là một sự kiện lịch sử vĩ đại trong việc tăng cường năng lực chiến đấu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.”

Nhiều điềm báo?

Đã có rất nhiều dự cảm tốt đẹp về cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Washington và Bình Nhưỡng ở Singapre cũng như cuộc gặp thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội.

Thế nhưng, cuộc gặp ở Hà Nội đã kết thúc đột ngột mà không có bất kỳ thỏa thuận hay tuyên bố nào sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất một “thỏa thuận lớn,” trong đó các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ nếu Bình Nhưỡng chuyển giao mọi vũ khí hạt nhân của mình cho Mỹ, thẳng thừng bác bỏ cách thức tiếp cận từng bước mà Kim đưa ra.

Điều gì gây ra căng thẳng gần đây nhất?

Dường như các cuộc thương lượng đều đang bị đình đốn vì sự lệnh pha trong quá tình trao đổi thông tin và sự tổn thương về mặt tình cảm sau đổ vỡ của cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội.

Gần đây, ông Kim tuyên bố Mỹ có khoảng thời gian từ nay cho đến cuối năm 2019 để đưa ra “những điều khoản mà hai bên có thể chấp nhận được” cho sự nhất trí đạt được ở Singapore để đi đến một thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Mỹ và Triều Tiên đã nhất trí hoàn thiện toàn bộ quá trình phi hạt nhân hóa, bao gồm các công tác thanh sát, cho đến cuối năm 2019.

“Tôi đã chứng kiến tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim. Tổng thống Trump đã quyết tâm thực hiện biện pháp ngoại giao. Đây là kết quả mà chúng ta tìm kiếm: ông Kim đưa ra lời hứa hồi tháng 6/2018 ở Singapore. Ông ấy đã cam kết phi hạt nhân hóa.

[Lý do Mỹ cần sớm xem xét lại cách tiếp cận đàm phán với Triều Tiên]

Ông ấy cũng đưa ra đúng cam kết đó với tôi tại các cuộc gặp riêng… Ông ấy nói muốn thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa từ nay cho đến cuối năm 2019. Tôi muốn thấy điều đó được thực hiện sớm hơ.”

Sau đó, Pompeo lại đẩy vấn đề đi một bước quá xa, ít nhất là khi tính đến tính chất nhạy cảm trong ngoại giao. Hồi tuần trước, tại phiên điều trần của một tiểu ban Thượng viện Mỹ, ông Pompeo đã vấp phải một câu hỏi khó: Ông tin ông Kim là một kẻ bạo chúa không? Vì trót quên đi nguyên tắc “không đổ thêm dầu vào lửa,” nên ông Pompeo đã đáp lại rằng: “Chắc chắn vậy, tôi dám chắc tôi đã nói điều đó rồi.”

Câu trả lời này đã làm thổi bùng ngọn lửa giận dữ từ phía Bình Nhưỡng, khiến ông Jong Gun ngay lập tức chỉ trích ông Pompeo, cho rằng Pompeo đã “đưa ra những nhận xét thiếu thận trọng, làm tổn thương phẩm giá của ban lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.”

Không thể kiềm chế cơn giận, ông Jong Gun còn đề nghị ông Pompeo không được tham gia các cuộc thương lượng Mỹ-Triều đang diễn ra hiện nay.

“Bàn đàm phán sẽ lại tồi tệ một lần nữa và các cuộc đối thoại sẽ lại rối rắm,” ông Jong Gun nói. Ông này còn khẳng định kết quả ê chề của cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội “là bài học cho thấy cứ khi nào Pompeo nhúng mũi vào thì đối thoại lại chẳng đi đến đâu cả.”

Kỳ vọng điều gì?

Dường như mối quan hệ thân hữu cùng với những lời đường mật giữa ông Trump và ông Kim đang đi đến thảm họa.

Giới chỉ trích Triều Tiên khẳng định vẫn diễn ra hoạt động tại cơ sở hạt nhân chính của nước này, cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang tái chế nhiên liệu phóng xạ thành nhiên liệu chế tạo bom.

Trước kia, ông Kim tuyên bố ông có bom hạt nhân đủ nhỏ để đặt lên đầu một tên lửa tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Mỹ. Và chỉ riêng tuyên bố này đã đủ để Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tin rằng không có một thỏa thuận giải trừ vũ khí nào có thể đạt được.

Ông Bolton vẫn đang kiên định rằng sẽ không có một cuộc gặp thượng đỉnh lần ba nếu như Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Giờ đây, thỏa thuận đình chiến giữa Triều Tiên và Mỹ dường như không còn hy vọng.

Tuy nhiên, với sự pha trộn tính cách lớn của hai nhà lãnh đạo thì nhiều khả năng sẽ có sự hồi sinh một thỏa thuận lớn nhất được ký kết cho bán đảo Triều Tiên kể từ khi Harry Truman là tổng thống Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục