Mỹ-Trung đã “ngừng bắn” song dường như khó “ngừng chiến”

Trang mạng CNN nhận định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bữa tối làm việc nồng ấm, song một thỏa thuận cuối cùng giải quyết thương chiến vẫn còn xa vời.
Mỹ-Trung đã “ngừng bắn” song dường như khó “ngừng chiến” ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, trái) trong buổi làm việc với Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3, phải). (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng CNN nhận định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một bữa tối làm việc nồng ấm, song một thỏa thuận cuối cùng giải quyết thương chiến vẫn còn xa vời.

Thế nhưng, ngay cả việc hai bên nhất trí không áp đặt các biện pháp thuế quan mới sau ngày 1/1/2019 đã là một thỏa thuận “ngừng bắn” mà giới hoạch định chính sách toàn cầu và giới đầu tư mong đợi trong bối cảnh cuộc thương chiến leo thang hiện nay đã làm đảo lộn thị trường toàn cầu.

Ông Trump hoan nghênh động thái này từ phía Trung Quốc là “một thỏa thuận không thể tin được.”

Thế nhưng, nhiều chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung Quốc lại coi thỏa thuận không áp đặt thuế và tiếp tục thương lượng này là một ván bài đặt cược tiếp theo của hai bên trong quá trình đàm phán kéo dài 1 năm qua mà không giải quyết được những bất đồng sâu sắc.

“Đó là một sự trì hoãn,” Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung bình luận.

“Đó chắc chắn không phải là giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào, dù giúp tình hình hiện nay sáng sủa hơn. Giờ thì chúng ta hãy chờ đợi xem,” ông nói.

[Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ nhìn từ góc độ xung đột văn hóa]

Thỏa thuận hôm 1/12 bên lề G20 ở Argentina đặt ra thêm một thời hạn chót trong vòng 90 ngày để Chính quyền Trump đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc nhằm tháo gỡ những quan ngại lâu nay của Mỹ như vấn đề chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và tấn công mạng.

Không rõ khi nào đồng hồ đếm ngược sẽ bắt đầu, song có thể dự đoán rằng các cuộc thương lượng căng thẳng và mau lẹ sẽ nhanh chóng được khởi động giữa hai bên để vạch ra chi tiết cho một thỏa thuận sơ bộ mà hai nhà lãnh đạo đã phác thảo trong bữa tối kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ.

“Giờ thì công việc khó khăn sẽ bắt đầu,” tuyên bố của Myron Brilliant, Phó Giám đốc điều hành kiêm trưởng phụ trách vấn đề quốc tế của Hiệp hội Thương mại Mỹ.

Mặc dù lãnh đạo mỗi bên đều ca ngợi mối quan hệ cá nhân thân thiết của nhau, song tuyên bố mà hai bên đưa ra trong bữa tối đó cho thấy vẫn tồn tại sự cách biệt giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong số đó, sự khác biệt lớn nhất là việc Trung Quốc không hề đả động gì đến một thời gian biểu cho các cuộc đàm phán tới đây.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng không đề cập cụ thể loại hình thị trường nào mà nước này sẽ mở cửa trong thời gian tới, trong khi nông nghiệp, năng lượng và sản phẩm công nghiệp là 3 lĩnh vực mà Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã ám chỉ tới trong một thông báo hôm 1/12.

Ông Trump thì không ngừng đề cập vấn đề nông nghiệp, vốn là lĩnh vực mà nông dân trồng đậu nành của Mỹ chịu hậu quả do biện pháp trả đũa thuế quan của Trung Quốc.

“Khi phân tích vấn đề này bạn có thể thấy điều bị bỏ qua là mơ hồ,” Allen tiếp tục bình luận, đồng thời cho rằng việc vắng bóng một tuyên bố chung giữa hai bên là chỉ dấu nữa cho thấy hai bên vẫn chưa thông hiểu nhau.

Tuyên bố của Trung Quốc cũng không đề cập liệu Tập có sẵn lòng xem xét thông qua thỏa thuận sáp nhập trị giá 44 tỷ USD giữa tập đoàn sản xuất chip của Mỹ Qualcomm và công ty bán dẫn NXP Semiconductors NV của Hà Lan hay không nếu thỏa thuận này được trình lên Tập một lần. Nếu có thì Nhà Trắng đề cao đây là một thành quả sau bữa tối làm việc của Trump và Tập.

Hồi tháng Bảy, Qualcomm đã phải hủy đề xuất thương vụ này sau gần 2 năm chờ giới điều hành Trung Quốc thông qua do căng thẳng thương mại leo thang.

Ngoài ra, một vấn đề trong thỏa thuận chung mà hai bên đạt được sau bữa tối G20 là thuốc giảm đau có chất ma túy, một chất gây ra hàng loạt tử vong do sử dụng quá liều loại thuốc này ở Mỹ. Và đây cũng là một vấn đề ưu tiên hàng đầu với Chính quyền Trump. Theo đó, Bắc Kinh đồng ý đưa loại thuốc này vào danh sách chất được kiểm soát, đồng nghĩa với việc người bán loại thuốc này sẽ chịu hình phạt tối đa theo luật lệ.

Dựa trên báo cáo của Quốc hội Mỹ hồi năm 2017 trong đó dẫn số liệu của cơ quan thực thi pháp luật và giới điều tra ma túy, giới chức Washington tin rằng Trung Quốc là nguồn chủ yếu sản xuất thuốc giảm đau này vốn được phát hiện bán ở khu vực biên giới Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra hoài nghi về những gì có thể đạt được trong vòng 3 tháng tới. Họ nhận định rằng hai bên khó có thể đạt được một bước đột phá thực chất trước khi thời hạn chót tiếp theo hết hạn.

“Chúng ta đã từng rơi vào tình huống này trước kia,” Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế trưởng của Capital Economics lưu ý, đồng thời ám chỉ thỏa thuận hồi tháng Năm cũng có kiểu cam kết này của Trung Quốc khi mua nhiều hơn hàng nông sản và năng lượng của Mỹ, để rồi ông Trump rốt cục lại bác bỏ.

Khác biệt là ở chỗ nếu như thỏa thuận hồi tháng Năm do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đàm phán thì thỏa thuận sau bữa tối G20 lại do chính ông Trump thương lượng. Thế nên, ông Trump sẽ tỏ ra miễn cưỡng hơn nhiều khi hủy bỏ thỏa thuận này khi liên quan trực tiếp đến chính uy tín cá nhân của ông Trump, ông Ashworth giải thích.

Thật vậy, trở lại Mỹ trên Không lực Một, ông Trump tuyên bố: “Đây là một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc do Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đưa ra." Tuy nhiên, ông Trump thừa nhận chưa có gì cụ thể và chắc chắn.

Scott Kennedy, Phó Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc Freeman Chair tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng để các cuộc đàm phán thành công sẽ cần phải có sự “đồng thuận rõ ràng” đối với những mục tiêu mà Chính quyền Trump đưa ra và “một quá trình phối hợp liên ngành thực chất hơn.”

Sự thay đổi này sẽ chỉ có được sau khi xảy ra chia rẽ nội bộ kéo dài nhiều tháng trong Chính quyền Trump, giữa lực lượng diều hâu như cố vấn về thương mại Trung Quốc của Trump, ông Peter Navarro và những nhân vật chủ trương thương mại tự do như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Trung Quốc cũng có thể đặt ra một thời điểm mới khởi động các cuộc đàm phán trong những tuần trước khi nước này tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa.

Giới chuyên gia cho rằng thời điểm tổ chức ngày lễ này có thể trao cho Tập cơ hội để đưa ra một tầm nhìn rõ ràng cho một làn sóng tự do hóa mới theo những tiêu chí của riêng Tập dựa trên nhu cầu và tiến trình chính trị của nước này.

“Tuy nhiên, họ (Mỹ và Trung Quốc) sẽ không lợi dụng sự kiện này để làm theo cách đó, và họ có thể sẽ trở lại tình trạng mà chúng ta đã trải qua trong 3 tháng qua,” Kennedy bình luận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục