Mỹ-Trung tìm cách dỡ bỏ các rào cản thương mại song phương

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ dỡ bỏ hạn chế quyền sở hữu của nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ tài chính để Mỹ có thể tham gia nhiều hơn.
Mỹ-Trung tìm cách dỡ bỏ các rào cản thương mại song phương ảnh 1(Nguồn: Politico)

Trước thềm cuộc đối thoại về kinh tế Mỹ-Trung dự kiến diễn ra tại Washington trong ngày 19/7 (theo giờ Mỹ), các quan chức Mỹ và Trung Quốc cùng lên tiếng hối thúc dỡ bỏ các rào cản cho thương mại song phương.

Tại buổi ăn trưa làm việc ngày 18/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ dỡ bỏ hạn chế quyền sở hữu của nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ tài chính để Mỹ có thể tham gia nhiều hơn, cũng như dỡ bỏ những rào cản thương mại trong lĩnh vực công nghệ truyền thông và thông tin.

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đánh giá một số thỏa thuận sơ bộ thông báo hồi tháng Tư, trong khuôn khổ kế hoạch kinh tế 100 ngày nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, là một "sự khởi đầu tốt đẹp."

Các thỏa thuận này bao gồm bán thịt bò Mỹ vào Trung Quốc lần đầu tiên sau 14 năm và cam kết mở cửa các lĩnh vực hiện còn hạn hẹp trong ngành dịch vụ tài chính của Trung Quốc, như dịch vụ thẻ tín dụng và các cơ quan đánh giá tín dụng.

Tuy nhiên, theo ông Ross, đến nay một số cam kết vẫn chưa được thực hiện và có ít bằng chứng cho thấy tiến triển trong các vấn đề gai góc, như sản xuất dư thừa thép và nhôm của Trung Quốc.

[Đại sứ Trung Quốc kêu gọi Mỹ khôi phục đàm phán thương mại song phương]

Việc chính quyền Mỹ đang cân nhắc áp thuế đối với sản phẩm thép vì lo ngại an ninh quốc gia đang phủ bóng lên các cuộc thảo luận tại Washington trong khuôn khổ "Đối thoại kinh tế toàn diện Mỹ-Trung."

Ông Ross thừa nhận cuộc đối thoại này sẽ khó khăn vì quan chức hai bên sẽ thảo luận nhiều chủ đề nhạy cảm.

Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho biết Trung Quốc sẽ bày tỏ các lo ngại của Bắc Kinh tại cuộc đối thoại, trong đó có sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ mà Trung Quốc cho là "đã lỗi thời" đối với các sản phẩm công nghệ cao.

Theo ông Uông Dương, nếu Mỹ nới lỏng kiểm soát các sản phẩm công nghệ cao xuất sang Trung Quốc sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Ông cho biết trong năm 2016, Trung Quốc đã nhập khẩu vi mạch tích hợp (IC) tổng trị giá 227 tỷ USD, nhưng chỉ 4% con số này nhập từ Mỹ.

Ông khẳng định Mỹ và Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với nhau về kinh tế nếu muốn thúc đẩy giao thương và tạo công ăn việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục