Năm 2009, thị trường sẽ dần ổn định

Các chuyên gia của Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo với biện pháp tích cực từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô năm 2009 sẽ khả quan hơn, kéo theo đó, thị trường hàng hóa trong nước sẽ dần đi vào ổn định.

Các chuyên gia của Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo với biện pháp tích cực từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô năm 2009 sẽ khả quan hơn, kéo theo đó, thị trường hàng hóa trong nước sẽ dần đi vào ổn định.

Giá lương thực, thực phẩm ổn định hơn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa năm 2009 ước đạt 37,4 triệu tấn, sau khi trừ tiêu dùng trong nước khoảng 28,1 triệu tấn, lượng lúa dành cho xuất khẩu còn khoảng 10 triệu tấn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2009 ở mức kỷ lục 432,3 triệu tấn, thương mại gạo toàn cầu trong năm ở mức 29,5 triệu tấn. Như vậy, thị trường gạo thế giới năm 2009 sẽ sôi động hơn năm nay và giá gạo sẽ ở quanh mức như hiện nay.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia trong nước dự báo, nếu thời tiết không có biến động lớn, giá vật tư nông nghiệp ổn định, cung cầu lương thực trong nước được đảm bảo, giá lương thực sẽ không có biến động lớn. Hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu loại 1 khoảng 4.800 đồng/kg, gạo nguyên liệu loại 2 khoảng 4.100 đến 4.200 đồng/kg.

Giá thực phẩm trong nước năm 2008 đã chịu nhiều tác động lớn bởi các yếu tố bất lợi của thời tiết, dịch bệnh nên chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm đã tăng tới 26,53%. Hiện nay, thời tiết khá thuận lợi cho khôi phục sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng và sản lượng rau xanh tăng mạnh. Ngoài ra, do giá thức ăn chăn nuôi giảm, dịch bệnh được khống chế, số lượng gia súc, gia cầm tăng đảm bảo nguồn cung... nên giá thực phẩm nhìn chung ổn định hoặc giảm nhẹ.

Trong những tháng đầu năm 2009, do nhu cầu thực phẩm tăng mạnh dịp Tết lễ nên giá một số loại thực phẩm tươi sống sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ không nhiều do nguồn cung dồi dào và đa dạng. Sản lượng đường niên vụ 2008/2009 có thể đạt mức tương đương vụ trước là 1,2 triệu tấn nên giá đường trong năm 2009 cũng sẽ ổn định.

Sức ép tăng giá không quá mạnh

Việc thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số loại hàng hoá đầu vào cho nhiều ngành sản xuất như điện, than, có thể tạo sức ép tăng giá đối với nhiều mặt hàng khác. Theo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản, dự báo năm 2009, sản lượng than sạch khai thác khoảng 36 triệu tấn.

Giá bán than cho các hộ lớn sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo cơ chế thị trường; trong đó, do giá bán than cho sản xuất phân bón tăng theo lộ trình sẽ tác động tới chi phí sản xuất nên giá bán phân bón trong nước có khả năng điều chỉnh tăng.

Hiện nay, giá bán lẻ phân urê trên thị trường ở mức 5.500 đồng/kg, thấp hơn từ 200 đến 700 đồng/kg so với tháng 12/2007 nhưng thấp hơn tới 4.500 đồng/kg so với mức giá ở tháng kỷ lục (tháng 7/2008). Giá bán phân bón giảm do tồn kho phân bón trong nước ở mức cao, tiêu thụ chậm.

Trong năm 2009, mặc dù giá than cho sản xuất ximăng, giấy... cũng sẽ tiếp tục tăng nhưng thị trường và dự báo đây lại là những mặt hàng ít biến động. Với ximăng, nhu cầu tiêu thụ toàn xã hội sẽ tăng khoảng 11% so với năm 2008, ước đạt 44 đến 45 triệu tấn.

Với năng lực sản xuất hiện nay và thêm 18 dự án với công suất 20,47 triệu tấn đi vào sản xuất thì cung cầu xi măng được đáp ứng nên giá bán sẽ tiếp tục ổn định. Giá giấy trong nước thậm chí còn tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới do giá bột giấy và giá giấy thế giới giảm mạnh và tồn kho giấy các loại đến cuối năm 2008 còn khoảng 1,5 triệu tấn.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, giá cả hàng hoá năm 2009 không biến động mạnh như năm 2008 còn do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ giảm và làm giảm sức ép tăng giá nguyên, nhiên liệu. Thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản tiếp tục trầm lắng.

Tuy nhiên, vẫn cần đề phòng các nguyên nhân khác là tình hình thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi còn những diễn biến khó lường. Chỉ số giá mặc dù liên tục giảm trong 3 tháng cuối năm 2008 nhưng lạm phát trên tổng thể vẫn còn ở mức cao, những nguyên nhân cơ bản của lạm phát vẫn chưa được giải quyết triệt để./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục