Năm 2010: Hy vọng cho nền kinh tế toàn cầu

Người người đón Năm mới 2010 với hy vọng sẽ không còn phải nhắc đến cụm từ “đại khủng hoảng” hay “giai đoạn tồi tệ nhất” như những năm trước.

Năm 2010, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt 2-3%, EU đạt 1-1,5% và các nước đang phát triển là 5-6%, giúp kinh tế toàn cầu tăng khoảng 3%.
Người người đón Năm mới 2010 với hy vọng sẽ không còn phải nhắc đến cụm từ “đại khủng hoảng” hay “giai đoạn tồi tệ nhất” như những năm trước, cho dù tăng trưởng kinh tế thế giới ước chỉ đạt khoảng 3-4%, thấp hơn mức trung bình 5% của 5 năm trước suy thoái.

Ngoài ra, chỉ số tăng trưởng của hai khối kinh tế cũng hoàn toàn khác nhau, khi các nền kinh tế công nghiệp hóa chỉ đạt mức tăng trưởng chưa bằng 1/3 mức tương ứng của các nền kinh tế mới nổi. Cho dù mức tăng GDP của các nền kinh tế đang phát triển cao hơn, nhưng một thực tế không thể phủ nhận là các quốc gia này vẫn “chạy sau” các nền kinh tế phát triển khác trong nhiều lĩnh vực, như chất lượng phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc đặc trách châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) dự báo sự phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra trên toàn khu vực này trong năm 2010, đánh dấu sự hồi phục hoàn toàn sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, trong đó Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất trên 9%, Ấn Độ 7%, Việt Nam và Indonesia trên 5%.

Bart van Ark, nhà kinh tế trưởng thuộc Conference Board, nói: “Trong tương lai, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ đóng góp nhiều hơn cho GDP toàn cầu và Trung Quốc chắc chắn là động lực chính đưa thế giới thoát khỏi khủng hoảng”.

Với Trung Quốc, gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ NDT (15% GDP) được thực hiện trong hai năm và tỷ lệ tín dụng ngân hàng tăng mạnh trong năm 2009 đã làm cho nhu cầu nội địa nước này tăng mạnh. Đây là nhân tố góp phần chủ yếu cho thắng lợi chung của thế giới đang phát triển trong năm 2009, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ mức 6,1% đầu năm 2009 lên 8,9% trong quý III. Các nước khác cũng được hưởng lợi từ cơ hội này khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc phục hồi và động lực này sẽ vẫn được tăng cường trong năm 2010.

Trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đạt 2-3% và Liên minh châu Âu (EU) đạt 1-1,5%, thì con số của các nước đang phát triển là 5-6%, giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 3%.

Với Mỹ, có một sự khác biệt quan trọng giữa tiềm năng phục hồi ngắn hạn và các nhân tố ảnh hưởng đến các triển vọng trung hạn.

Về ngắn hạn, động lực cơ bản của nền kinh tế này sẽ vẫn là chi tiêu tiêu dùng, chiếm gần 70% GDP. Tuy nhiên, động lực này vẫn yếu trong năm 2010, mặc dù kinh tế Mỹ đã từng bước phục hồi trong quý II/09, với các thị trường bất động sản và lao động tương đối ổn định. Các hộ gia đình nước này không chỉ đứng trước một giai đoạn kéo dài thu nhập không tăng hoặc tăng không đáng kể, mà còn đối mặt với việc giá cả bị đội lên.

Về trung hạn, chi phí tăng sẽ gây ra lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng cao hơn thực tế. Chi tiêu tiêu dùng sẽ giảm mạnh vào đầu năm 2010, làm cho tốc độ tăng trưởng GDP giảm, trước khi tăng trở lại vào giữa năm 2010, dẫn tới sự phục hồi về đầu tư của các công ty.

Các điều kiện tín dụng nới lỏng, lợi nhuận của các khu vực phi tài chính và nhu cầu về đồng USD sẽ cải thiện. Điều này có nghĩa là giá trị đồng bạc xanh của Mỹ có thể tăng trong vài tháng tới. Tuy nhiên, do tiến bộ trong nỗ lực giảm những mất cân đối toàn cầu chỉ là tạm thời, sức ép giảm giá của đồng USD sẽ tiếp tục trong năm 2010. Đà giảm này chắc chắn sẽ là sâu nhất so với các đồng tiền của những thị trường đang nổi, do triển vọng tăng trưởng mạnh hơn tại các nền kinh tế này.

Châu Âu và Nhật Bản đã trải qua cuộc suy thoái sâu hơn Mỹ và có thể chứng kiến đà phục hồi yếu hơn. Các nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro) và Anh dự kiến tăng trưởng tương ứng là 0,9% và 0,8% trong năm 2010.

Đối với EU, mặc dù đồng tiền mạnh sẽ kiềm chế lạm phát, ngăn chặn được tình trạng thất nghiệp bằng nhiều biện pháp, song việc các ngân hàng EU đã kìm hãm thanh toán các khoản nợ xấu, trong khi không được cấp đủ vốn, sẽ có nguy cơ gây nên một cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng trong năm 2010. Thêm vào đó, đồng euro mạnh sẽ làm nản lòng cả các nhà đầu tư lẫn xuất khẩu, trong khi tăng trưởng GDP của EU trong thập kỷ qua chủ yếu phụ thuộc vào ngành này. Một số nền kinh tế Tây Âu, như Iceland, Ireland và Tây Ban Nha, sẽ tiếp tục giảm trong năm tới, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, cũng như các cơn dư chấn sau sự sụp đổ thị trường nhà ở.

Với Nhật Bản, suy thoái kinh tế đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh ở nước này, khiến một số lĩnh vực giảm tới 50% hoặc hơn. Hiện nay, xuất khẩu đã có những dấu hiệu cải thiện, nhờ nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.

Giống như Hàn Quốc và các nền kinh tế châu á khác, Nhật Bản được lợi từ nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng giảm giờ làm, thất nghiệp và thu nhập thấp đang khiến sự phục hồi nhu cầu nội địa vẫn gặp khó khăn. Vì thế, hiệu quả của các chính sách tài chính và tiền tệ bị hạn chế. Nền kinh tế Nhật Bản xem ra chỉ phục hồi từ từ và yếu, đồng thời vẫn dễ bị tổn thương với mức tăng nhẹ khoảng 1%.

Sau khi áp dụng thành công mô hình cân đối ngân sách không dựa trên giá dầu mỏ và khí đốt, khả năng tăng trưởng của kinh tế Nga trong năm 2010 sẽ khá cao. Các tổ chức tài chính quốc tế dự đoán chỉ số này sẽ khoảng 3-5%. Còn Mỹ Latinh dẫn đầu là Brazil với tăng trưởng dự báo 5,5% năm 2010, tiếp đến là Uruguay 5%; Panama, Chile và Bolivia đều là 4,5%. Trong khi đó, GDP của châu Phi sẽ tăng trưởng 5,5-6% năm 2010 khi nền kinh tế của lục địa đen này dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua.

Cơ quan nghiên cứu độc lập Conference Board nhận định, mức đóng góp của các nền kinh tế phát triển trong GDP toàn cầu đã giảm từ 2/3 năm 2000 xuống dưới 1/2 năm 2009 và tiếp tục giảm xuống 1/3 vào năm 2016.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng tại Galaxy Securities, ông Zuo Xiaolei, đánh giá, không nên chỉ so sánh GDP của các nước đang phát triển với các nền kinh tế phát triển khác, điều quan trọng hơn là chỉ số GDP/đầu người như thế nào. Chẳng hạn như đối với Trung Quốc, do số dân là 1,3 tỷ người, GDP bình quân đầu người năm 2008 chỉ đạt 3.200 USD, bằng 1/3 mức trung bình của thế giới và chưa bằng 1/10 so với 38.000 USD của Nhật Bản.

Chuyên gia Zuo khẳng định, GDP Trung Quốc có thể vượt Nhật Bản, song điều này không thể thay đổi một thực tế rằng, Trung Quốc cũng như một số nền kinh tế mới nổi khác vẫn chỉ là các quốc gia đang phát triển và còn tụt hậu trong nhiều lĩnh vực.

Nhìn chung, theo nhận định của nhiều nhà kinh tế, năm 2010 sẽ khá hơn và tăng trưởng GDP tại tất cả các khu vực đang nổi sẽ khởi sắc nhanh hơn so với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, các nền kinh tế lớn ở phương Tây dự báo sẽ vẫn trong thể trạng yếu do tình trạng thâm hụt kép (ngân sách và thương mại) trầm trọng. Điều này có nghĩa là nhu cầu về nhập khẩu của khối các nước này còn hạn chế và đây là tin không mấy tốt lành cho các nền kinh tế lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng chủ yếu.

Như vậy các nền kinh tế đang phát triển này có thể còn bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều. Trước hết là nhờ mức tăng trưởng cao nên các nước sẽ có thị trường nội địa tương đối mạnh hơn trước. Song mức tăng trưởng khá cao cũng sẽ sớm chững lại nếu không quyết liệt cải cách cơ chế để tiếp tục nâng mức tiêu thụ nội địa. Về lâu dài, thị trường nội địa mới là động lực tăng trưởng bền vững và nơi nào càng ít bị phụ thuộc vào xuất khẩu càng có mức tăng trưởng ổn định hơn. Bên cạnh đó, vì tình hình xuất nhập khẩu của các nước công nghiệp chưa mấy khả quan, nên tranh chấp thương mại rất dễ xảy ra trong năm 2010.

Nhờ thoát khỏi suy thoái, các nước sẽ thận trọng từng bước chấm dứt biện pháp bơm tiền cứu nguy kinh tế trước tình trạng gia tăng thâm hụt và nợ công. Sớm ngừng các gói kích thích kinh tế được ngày nào thì nguy cơ lạm phát tăng càng giảm đối với tất cả các nền kinh tế. Chính vì vậy, nền tảng kinh tế toàn cầu trong năm 2010 vẫn chưa ổn định cho dù xu hướng tăng trưởng được hình thành./.

Tố Uyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục