Năm 2011 bầu cử đại biểu QH và HĐND cùng ngày

Ngày 16/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 3 Luật và một Nghị quyết mới được kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII thông qua.
Ngày 16/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Thanh tra, Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính.

Tạo thuận lợi cho việc tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII ngày 24/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.

Việc ban hành luật này nằm trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương về việc tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng năm đầu của mỗi kế hoạch năm năm. Năm 2011 sẽ là năm đầu tiên tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp cùng một ngày.

Do công tác bầu cử nói chung còn đang được điều chỉnh bởi hai luật riêng rẽ là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân nên việc sửa đổi một số quy định cụ thể của từng Luật chính là nhằm giải quyết các vướng mắc có thể xảy ra trên thực tế, trong khi chờ xây dựng Luật chung thống nhất về bầu cử.

Phạm vi của Luật tập trung vào một số vấn đề thật sự cần thiết liên quan đến công tác tổ chức bầu cử, đảm bảo sự thành công của cuộc bầu cử lần này. Cụ thể, về khu vực bỏ phiếu và số lượng cử tri tai mỗi khu vực bỏ phiếu (Điều 12 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, điều 13 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân), Luật quy định khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được sửa đổi thống nhất là từ 300-400.000 cử tri. Đối với những địa bàn và đơn vị có đặc thù riêng sẽ tùy thuộc vào số lượng cử tri và điều kiện cụ thể mà các cơ quan có thẩm quyền sẽ thành lập khu vực bỏ phiếu riêng hoặc phối hợp với các nơi khác thành lập khu vực bỏ phiếu chung nhằm bảo đảm thuận lợi nhất cho cử tri đi bầu cử.

Luật cũng sửa đổi và bổ sung một số quy định về các tổ chức phụ trách bầu cử, về số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội; về thời gian bầu cử và cả về trường hợp hoãn hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định…

Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra

Luật Thanh tra được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII ngày 15/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Luật Thanh tra 2010 gồm 7 chương và 78 điều, có thêm 2 chương và 9 điều so với Luật Thanh tra năm 2004. Nét mới trong Luật Thanh tra năm 2010 là quy định các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra gồm có cơ quan thanh tra Nhà nước (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện) và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Luật cũng bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính chủ động cho Chánh thanh tra các cấp, các ngành như quyền tự mình quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra đối với các doanh nghiệp Nhà nước do Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước quyết định thành lập…

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kết luận thanh tra. Ngoài ra Luật cũng bổ sung quy định về xây dựng, phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra; trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành.

Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án

Luật Tố tụng hành chính được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII ngày 24/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Luật Tố tụng hành chính gồm 18 chương, 265 điều.

So với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, các quy định của Luật Tố tụng hành chính có nhiều điểm đổi mới, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, phù hợp với Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đồng thời cũng phù hợp với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đó là quy định về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo hướng loại trừ. Hoặc quy định về quyền khởi kiện vụ án hành chính của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong trường hợp không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định buộc thôi việc hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó…

Luật cũng quy định về thời hiệu khởi kiện; về xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nai, vừa có đơn khởi kiện; về chứng minh và chứng cứ trong tố tụng hành chính; về việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; về sự tham gia tố tụng hành chính của Viện kiểm sát Nhân dân.

Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa; về thẩm quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm; về thủ tục giám đốc thẩm; về xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao; về thi hành án hành chính…, cũng được quy định trong Luật.

Để thi hành Luật tố tụng hành chính, cũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật tố tụng hành chính (ngày 24/11/2010).

Hiện Tòa án Nhân dân tối cao đang khẩn trương chuẩn bị các công việc cần thiết nhằm bảo đảm thi hành Luật Tố tụng hành chính./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục