Năm 2012, Hà Nội sẽ khởi công 47 dự án trọng điểm

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự kiến năm 2012 sẽ khởi công 47 dự án, dự kiến phấn đấu hoàn thành dứt điểm 33 dự án.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết dự kiến trong năm 2012 sẽ khởi công 47 dự án trọng điểm, dự kiến phấn đấu hoàn thành dứt điểm 33 dự án.

Tại buổi tổng kết công tác năm 2011, triển khai kế hoạch năm 2012, tổ chức ngày 30/12, của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.

Để tìm nguồn vốn cho các công trình giao thông của Thủ đô, ngoài nguồn ngân sách thành phố, Sở  sẽ cố gắng huy động các nguồn vốn khác.

Theo đó, Sở sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm nhằm nhanh chóng cải thiện năng lực của mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông; trong đó mục tiêu quan trọng là phải sớm hoàn thành khép kín vành đai 2, một phần vành đai 3, mở rộng các đoạn còn lại của trục hướng tâm chính như Quốc lộ 1A cũ, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, Quốc lộ 3 để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu giao thông từ khu vực nội đô ra bên ngoài và ngược lại cũng như tách được các luồng giao thông quá cảnh không cho đi qua khu vực nội đô.

Để hỗ trợ cho các trục hướng tâm hiện quá tải, ngành sẽ tập trung mở rộng theo quy hoạch và hoàn thành dứt điểm các trục chính đô thị, dứt điểm hoàn thành các trục đường đang thi công dở như Văn Cao-Hồ Tây, Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Láng; Ngô Gia Tự…

Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng khung, được xem như giải pháp mang tính lâu dài, trong năm 2012 sẽ xây dựng một loạt cầu vượt bằng kết cấu thép lắp ghép tải trọng nhẹ sử dụng cho xe con, xe máy tại một số nút giao thông có mật độ phương tiện qua lại hàng ngày rất cao để giải quyết cấp bách tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút này.

Ngoài ra, ngành tiến hành xây dựng một số cầu quan trọng và sửa chữa cầu yếu để đảm bảo an toàn giao thông và kết nối giao thông thuận lợi, hiệu quả với mạng lưới giao thông hiện có; tiếp tục xây dựng các cầu đi bộ qua đường; đầu tư và có cơ chế thu hút đầu tư các bãi đỗ xe theo phương thức xã hội hóa; trong đó đẩy mạnh tiến độ xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng, sử dụng công nghệ xếp đỗ tiên tiến trong khu vực nội đô.

Đồng thời, Sở có kế hoạch để triển khai xây dựng các bến, bãi đỗ xe mới theo quy hoạch khu vực ngoài vành đai 3 để chuẩn bị đủ điều kiện về bãi đỗ, điểm đỗ cho các loại phương tiện khi thành phố triển khai nghiên cứu xây dựng và thực hiện đề án thu phí phương tiện ra vào khu vực nội đô. Đặc biệt, kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư dự án phát triển nhà, khu đô thị phải bố trí bãi đỗ xe đáp ứng đủ nhu cầu của dự án và dành 20-30% diện tích cho đỗ xe công cộng. Khai thác triệt để các diện tích đất trống công cộng có đủ điều kiện để bố trí điểm đỗ, bãi đỗ xe và có giải pháp sử dụng hiệu quả các bãi đỗ xe hiện có.

Trong năm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP và Chỉ thị số 1702/TTg-KTN về việc tăng cường các giải pháp trọng tâm đảm bảo an toàn giao thông. Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản chỉ đạo và các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, với tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều yếu kém trong khi phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, vỉa hè, lòng đường thường xuyên bị chiếm dụng và ý thức tham gia giao thông của một bộ phận lớn người tham gia giao thông chua cao nên ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, kìm hãm sự phát triển của Thủ đô.

Hạ tầng giao thông yếu kém trong khi đó lại phải thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là những khó khăn cho việc phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, do chủ trương cần tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải của thành phố nên năm 2011, kế hoạch vốn của Sở Giao thông Vận tải ít bị ảnh hưởng. Sở có 2 dự án đình hoãn, 2 dự án giãn tiến độ với tổng kinh phí cắt giảm 4,65 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiếp tục phải “ thắt lưng, buộc bụng” do cắt giảm đầu tư trong năm 2012 sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Trong tiến trình thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011- 2015, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Bộ Giao thông Vận tải tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải nhằm nhanh chóng hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng khung gồm các đoạn tuyến còn lại trên đường vành đai 1, 2,3, các tuyến đường hướng tâm (Quốc lộ 1, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, Quốc lộ 3…), các tuyến đường sắt đô thị, nút giao thông trọng điểm.

Nhiều công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả góp phần giảm ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến phố, nhiều khu vực. Nhiều cây cầu yếu đã được kiểm định và cải tạo hoặc xây dựng mới (50 cây cầu đang triển khai). 18 cầu vượt dành cho người đi bộ và một số hầm bộ hành trên các tuyến đường, các điểm đỗ, bãi đỗ xe công cộng tại một số địa bàn có nhu cầu cao đã được đưa vào sử dụng hiệu quả.

Ngoài ra, Sở cũng đã và đang lập dự án triển khai nhanh một số nút giao thông khác cốt kết cấu nhẹ để giải quyết ùn tắc giao thông và đang tập trung đầu tư các dự án hạ tầng giao thông vận tải quan trọng có ý nghĩa trong việc giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông như đường Văn Cao-Hồ Tây; Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Láng; đường Kim Mã-Trần Phú; Liễu Giai-Núi Trúc-Sơn Tây và một số tuyến trục chính đô thị…

Trong năm 2011, Sở đã triển khai thi công và cơ bản hoàn thành 16 công trình, hoàn thành và chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án để chuẩn bị khởi công 47 công trình, đang thi công 28 công trình./.

Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục