Năm 2014: CPI tăng thấp 1,84% không phải do nhu cầu tiêu dùng

Ngày 24/12, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 giảm 0,24% so với tháng 11 và tăng 1,84% so với tháng 12 năm 2013.
Năm 2014: CPI tăng thấp 1,84% không phải do nhu cầu tiêu dùng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/12, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,24% so với tháng 11.

Với mức giảm này, CPI trong 12 tháng qua chỉ tăng 1,84% so với tháng 12 năm 2013 và CPI bình quân năm 2014 so với năm 2013 tăng 4,09%.

Cụ thể Báo cáo chỉ ra, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tổng hợp tính vào rổ CPI đã có 2 nhóm chỉ số giá giảm, đó là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99%, giao thông giảm 3,09% đồng thời có 4 nhóm tăng rất nhẹ, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục đều tăng 0,03%; văn hóa, thể thao và du lịch tăng 0,07%.

Theo Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, nguyên nhân CPI tháng 12 giảm chủ yếu vẫn bắt nguồn từ việc giảm giá xăng, dầu trong nước (hai đợt giảm giá vào ngày 22/11 và 6/12 năm 2014, khiến giá xăng giảm 1.460 đồng/lít, giá dầu diezel giảm 830 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 730 đồng/lít). Theo đó, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09% đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI. Ngoài ra, giá gas thế giới giảm mạnh đã điều chỉnh giá gas trong nước giảm 13.000 đ/bình (từ ngày 1/12) càng góp phần cho CPI tháng 12 giảm hơn so với tháng trước.

Đáng chú ý trong vòng 10 năm trở lại đây, CPI tháng 12  giảm so với tháng 11 là lần thứ hai (trước đó rơi vào năm 2008). Thời điểm, năm 2008 khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng, giá cả các mặt hàng trên thế giới tăng đột biến vào 6 tháng đầu năm và khiến giá cả sau đó lại giảm mạnh vào những tháng cuối năm. Cụ thể, CPI tháng 12 năm 2008 giảm tới 0,68% do giá một số mặt hàng thiết yếu giảm mạnh như lương thực, gas, xăng dầu, thép xây dựng…

Năm 2014: CPI tăng thấp 1,84% không phải do nhu cầu tiêu dùng ảnh 2

Đánh giá tổng quan thị trường năm 2014, bà Ngọc cho rằng, CPI  bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, đây là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây.

“Như vậy, năm 2014, CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra đã được thực hiện thành công. Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành..., kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng,” bà Ngọc nhận định.

Về việc một số nhà kinh tế cho rằng CPI tăng thấp do sức cầu của nền kinh tế yếu, đại diện Tổng cục thống kê cho rằng vẫn chưa có cơ sở. Bởi, số liệu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng về lượng vẫn cao hơn các năm trước (năm 2014 ước tăng 6,5%, trong khi đó các năm 2011, 2012, 2013 lần lượt tăng là 4,7%, 6,2% và 5,6%  đồng thời lạm phát của các năm này lần lượt là 18,13%, 6,81% và 6,04%) nên CPI năm 2014 tăng thấp không phải do nhu cầu tiêu dùng.

Bà Ngọc nhấn mạnh: “Trong năm 2013 và 2014, CPI tăng thấp, ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, còn có nguyên nhân quan trọng khác là tâm lý bình tĩnh trong chi tiêu của người tiêu dùng, họ không mua hàng tích trữ vào các dịp lễ Tết; chi tiêu của người dân được tính toán kỹ hơn, cân nhắc hơn. Tâm lý, thái độ của người tiêu dùng có sự thay đổi khiến người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không dám tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.”

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, năm 2014, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do được thu hẹp, tỷ lệ đô la hóa giảm mạnh. Các tổ chức kinh tế và cá nhân đẩy mạnh bán ngoại tệ cho ngân hàng, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, cùng với lượng kiều hối gửi về trong năm nên lượng dự trữ USD dồi dào đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu.

Trong năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ điều chỉnh tỷ giá một lần vào ngày 19/6/2014 với mức tăng 1% (theo đúng cam kết của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng không quá 2%). Do vậy, chỉ số giá USD năm 2014 so với năm 2013 khá ổn định chỉ tăng ở mức 0,56%.

Đối với thị trường vàng, Báo cáo chỉ ra, trong năm thị trường vàng được kiểm soát không còn bị “sốt” đồng thời các tổ chức đầu cơ không còn tự ý lũng đoạn giá như những năm trước. Bên cạnh đó, hai năm gần đây lạm phát trong nước được kiểm soát, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, nên vàng không còn đóng vai trò cất trữ quan trọng khi lạm phát cao.

“Thêm vào đó, giá vàng thế giới giảm sâu do kinh tế Mỹ phục hồi, đồng USD mạnh lên so với các đồng ngoại tệ khác cùng với giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, khiến nhu cầu vàng vật chất của thế giới giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 trở lại đây, các quỹ đầu tư đẩy mạnh bán ra cũng là yếu tố làm cho giá vàng trong nước giảm xuống,” Báo cáo phân tích.

Trong nước, cả năm 2014 có 9 tháng giá vàng giảm, trong đó có tháng giảm tới gần 3% và chỉ số giá vàng năm 2014 so năm 2013 giảm rất mạnh tới 11,49%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục