Năm 2015: Giảm tải ở bệnh viện tuyến Trung ương chuyển biến rõ rệt

Bộ trưởng Y tế cho hay, thời gian tới, một số bệnh viện trực thuộc Bộ, số giường bệnh sẽ tăng lên, nên việc giảm tải ở tuyến Trung ương sẽ có chuyển biến rõ rệt.
Năm 2015: Giảm tải ở bệnh viện tuyến Trung ương chuyển biến rõ rệt ảnh 1Chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Những năm qua, dù ngành y tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu, nhưng dịch vụ y tế vẫn chưa đạt chất lượng như người dân mong muốn. Trong đó, vấn đề giảm tải bệnh viện nhằm hạn chế tình trạng nằm ghép giường được người dân đặc biệt quan tâm.

Thực tế, chưa bao giờ ngành y tế lại ưu tiên nhiệm vụ giảm tải bệnh viện lên hàng đầu như hiện nay. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, trước thực tế trên, ngành y tế đã triển khai quyết liệt Đề án giảm quá tải bệnh viện. Thời gian tới, một số bệnh viện trực thuộc Bộ, số giường bệnh sẽ tăng lên nhiều, nên chắc chắn việc giảm tải ở tuyến Trung ương sẽ có chuyển biến rõ rệt.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, thực tế, quá tải bệnh viện không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, nhưng các nước khác thì số giường bệnh trên vạn dân đều trong ngưỡng 40-120 giường/vạn dân, Việt Nam mới đạt 22,5 giường.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện, người đứng đầu ngành y tế cho hay, thời gian qua ngành đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là từ ngày giải phóng đất nước cho đến năm 2012, hầu như không đầu tư xây dựng mới bệnh viện Trung ương. Đến năm 2013, Chính phủ mới quyết định đầu tư 20.000 tỷ đồng để xây mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và 3 bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với bệnh viện tuyến tỉnh, từ cuối năm 2008, Chính phủ mới có chính sách dùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới một số bệnh viện tuyến tỉnh ở những vùng khó khăn, bệnh viện tuyến cuối. Tuy nhiên, do khó khăn nên nguồn vốn đã không được cấp đầy đủ so với nhu cầu, và phải giãn tiến độ thực hiện nên hiện nay mới có 18/166 dự án bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Do đó số giường bệnh hiện nay thấp hơn nhiều so với quy định, dẫn đễn tình trạng quá tải trầm trọng ở bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh.

Vì vậy, thời gian tới ngành y tế đã tập trung bước đầu giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện hướng tới sự hài lòng người bệnh thông qua việc nâng cao chất lượng. Toàn ngành tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại-chấn thương, tim mạch, sản và nhi - những khoa hiện đang quá tải trầm trọng, đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh.

Bộ Y tế sẽ chỉ đạo quyết liệt việc tiếp tục cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao ở tuyến trung ương và tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đẩy mạnh thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, với 14 bệnh viện hạt nhân và 45 bệnh viện vệ tinh (là bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện được nhận hỗ trợ kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên) ở 32 tỉnh nhằm giúp cho các bệnh viện vệ tinh có khả năng triển khai được các kỹ thuật, không phải chuyển người bệnh lên tuyến Trung ương nhằm góp phần giảm tải mạnh mẽ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục