Năm 2018, thế giới có thể triển khai đại trà vắcxin rVSV-ZEBOV

Ngày 22/12, WHO thông báo sau hơn 40 năm chờ đợi, đến năm 2018, thế giới có thể triển khai đại trà một loại vắcxin có hiệu quả "đến 100%" trong việc ngăn ngừa virus Ebola.
Năm 2018, thế giới có thể triển khai đại trà vắcxin rVSV-ZEBOV ảnh 1Vắcxin Ebola thử nghiệm của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Ngày 22/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sau hơn 40 năm chờ đợi, đến năm 2018, thế giới có thể triển khai đại trà một loại vắcxin có hiệu quả "đến 100%" trong việc ngăn ngừa virus Ebola.

Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The Lancet, trong đợt thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trong năm 2015 do WHO chủ trì, loại vắcxin có tên gọi rVSV-ZEBOV đã được dùng thử đối với 6.000 người tại Guinea, một trong những quốc gia Tây Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đợt bùng phát đại dịch Ebola vừa qua.

Đến thời điểm này, không một ai trong số 6.000 người này bị nhiễm Ebola.

Cùng thời điểm, ở một nhóm tình nguyện quy mô tương tự nhưng không dùng vắcxin rVSV-ZEBOV, có đến 23 trường hợp đã nhiễm virus Ebola.

Bà Marie-Paule Kieny, trợ lý Tổng giám đốc WHO đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nếu so sánh với 23 ca nhiễm của nhóm không dùng vắcxin, bước đầu có thể kết luận rVSV-ZEBOV có hiệu quả 100% trong việc phòng ngừa nhiễm Ebola và hầu như không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nhóm nghiên cứu tính toán ngay cả trong trường hợp đại dịch bùng phát như vừa qua, vắcxin rVSV-ZEBOV cũng có khả năng ngăn ngừa Ebola hiệu quả đối với trên 80% trường hợp.

Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại khu vực thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo hiện nay, virus Ebola là thủ phạm của các đợt dịch lẻ tẻ với vài trăm ca nhiễm bệnh chủ yếu tại các nước thuộc Đông và Tây Phi.

Tuy nhiên, vào đầu năm 2014 một vài ca nhiễm virus tại miền Nam Guinea đã bùng phát thành đại dịch với hơn 28.000 người nhiễm bệnh, chủ yếu tại Guinea, Liberia và Sierra Leone làm ít nhất 11.300 người thiệt mạng.

Được xếp vào nhóm các bệnh sốt xuất huyết, các trường hợp nhiễm virus Ebola có thời gian ủ bệnh lên đến 3 tuần, với những triệu chứng nặng như nôn mửa, tiêu chảy, suy nội tạng và chảy máu trong với tỷ lệ tử vong khoảng 40%.

WHO cũng cho biết hiện tại cơ quan này có khả năng đảm bảo từ 300.000 đến 1 triệu liều vắcxin rVSV-ZEBOV trong một thời gian ngắn cho các trường hợp khẩn cấp chứ không phải chờ đến năm 2018 - thời điểm loại vắcxin trên dự kiến được đưa vào sản xuất và triển khai đại trà.

Tuy nhiên hiện vẫn còn một số câu hỏi cần giải đáp về vắcxin rVSV-ZEBOV, trong đó có vấn đề tác dụng phụ đối với trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai và những người dương tính với virus HIV - những đối tượng không tham gia các thử nghiệm lâm sàng gần đây nhất. Khả năng phòng bệnh của vắcxin sau 6 tháng cũng chưa được khẳng định.

Các thủ tục cho việc cấp phép sử dụng vắcxin rVSV-ZEBOV đang được gấp rút triển khai tại Canada và Mỹ.

Ngoài ra Anh, Trung Quốc và Nga cũng đang thử nghiệm các loại vắcxin tương tự có khả năng phòng ngừa nhiễm Ebola, trong đó loại vắcxin do Nga nghiên cứu vừa hoàn thành giai đoạn 2 của quy trình thử nghiệm lâm sàng gồm 3 giai đoạn.

Bên cạnh đó, virus Ebola còn có một số biến thể nguy hiểm khác, như dòng virus được phát hiện ở Sudan, đòi hỏi phải nghiên cứu phát triển các loại vắcxin ngăn ngừa riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục