Năm 2021 có thêm hơn 1.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các HTX nông nghiệp kiểu mới hiệu quả được nhân rộng, số lượng hợp tác xã, trang trại nông nghiệp tiếp tục tăng, dần thích nghi với cơ chế thị trường.
Năm 2021 có thêm hơn 1.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ảnh 1Mô hình liên kết sản xuất giống nho mới NH 01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP của thành viên hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). (Ảnh: TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, cả nước có 1.640 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số có trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp.

Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Doveco, Thương mại và Đầu tư Biển Đông…

Cùng với lực lượng doanh nghiệp, sau 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hiệu quả được nhân rộng. Số lượng hợp tác xã, trang trại nông nghiệp tiếp tục tăng, dần thích nghi với cơ chế thị trường.

Năm 2021, cả nước thành lập mới 1.250 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên 19.100 hợp tác xã và có 78 liên hợp tác xã; trong đó, có trên 65% xếp loại khá, tốt.

Đặc biệt có 1.980 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 4.180 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, cả nước có trên 30.000 tổ hợp tác và gần 19.700 trang trại.

Đến nay, cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được địa phương công nhận; có 51 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó 23 doanh nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.

[Nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng]

Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính và các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bộ coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đồng thời, Bộ phối hợp với các bộ, ngành triển khai Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp; Nghị định 55/2015/NĐ-CP và số 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2021 có thêm hơn 1.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ảnh 2Hợp tác xã chăn nuôi Eapok ở thị trấn Eapok, huyện Cư M'Gar có đàn bò sinh sản hơn 400 con, mỗi tháng cung cấp gần 20 tấn thịt đảm bảo chất lượng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định mới mới thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP, theo hướng phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các luật, đặc biệt là các Luật: Đầu tư công, Đầu tư, Doanh nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện ngay các giải pháp, chính sách tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông nguồn lực, thị trường, nên đã tạo môi trường thuận lợi khuyến khích người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Qua đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai các chính sách đồng bộ khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến công nghệ cao, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô.

Trọng tâm là thực hiện các Đề án như phát triển ngành chế biến rau, củ, quả giai đoạn 2021-2030; Phát triển ngành chế biến thủy hải sản giai đoạn 2021-2030; Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030; Bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030....

Bộ phối hợp với các địa phương kêu gọi đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có, hoặc còn thiếu công suất chế biến với mục tiêu năm 2022, giá trị gia tăng lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản tăng 9%.

Xác định động lực chính tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng là khoa học công nghệ, Bộ sẽ phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục