Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Những đóng góp của Việt Nam

Việt Nam đã dẫn dắt và triển khai tất cả các sự kiện ASEAN bao gồm Hội nghị cấp cao, đối thoại ASEAN mở rộng và các cam kết khác trong “Chương trình nghị sự ASEAN” với số lần hoãn và hủy do COVID-19.
Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Những đóng góp của Việt Nam ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong vòng ba tháng tới, Việt Nam sẽ bàn giao vị trí Chủ tịch ASEAN cho Brunei Darussalam. Và ngay từ bây giờ, cộng đồng quốc tế đã có những đánh giá tích cực về những gì mà Việt Nam đã làm được trong vai trò nói trên. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Vijay Sakhuja, đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Kalinga.

Vị trí Chủ tịch ASEAN được tiếp nhận luân phiên; quá trình chuyển giao sẽ diễn ra sau khi một nước thành viên hoàn thành thời gian một năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch và việc cam kết tuân thủ các nguyên tắc của ASEAN, đóng góp vào mục tiêu chung, đồng thời khám phá những khía cạnh mới để củng cố sự vững mạnh của khối.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam với chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” diễn ra với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Hà Nội đã thực hiện trọng trách này trong bối cảnh những thách thức từ đại dịch COVID-19 và tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

[Nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020]

Đầu tiên, tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã bắt đầu năm 2020 trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững.”

Tại phiên “Tương lai chúng ta muốn, Liên hợp quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết tập thể đối với chủ nghĩa đa phương - đối phó với đại dịch COVID-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả” trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có thông điệp ghi hình khẳng định Việt Nam ủng hộ “đối thoại, giảm leo thang căng thẳng, tránh đối đầu, các giải pháp công bằng và phù hợp cho các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và toàn cầu,” ủng hộ chủ nghĩa đa phương (ASEAN) mà Việt Nam đang “phối hợp với các nước thành viên để cùng xây dựng một khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác.”

Thứ hai, tại ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt và triển khai tất cả các sự kiện ASEAN bao gồm Hội nghị cấp cao, đối thoại ASEAN mở rộng và các cam kết khác trong “Chương trình nghị sự ASEAN” với số lần hoãn và hủy do dịch COVID-19 rất hạn chế.

Phần lớn các hoạt động trên được tổ chức trên nền tảng số theo hình thức trực tuyến, là “minh chứng cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm được mà không cần gặp mặt trực tiếp.”

Trong nội bộ ASEAN, liên quan vấn đề chính trị-ngoại giao-kinh tế-quốc phòng, an ninh phi truyền thống-pháp lý-phát triển..., các cam kết đã được triển khai một cách khéo léo.

Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã biểu dương sự chuẩn bị chu toàn, kỹ lưỡng của Việt Nam và kết quả của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 53, thông qua số lượng văn kiện lớn nhất trong lịch sử (gồm hai văn kiện, trong đó có Kế hoạch Hành động Hà Nội II (2020-2025) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.

Thứ ba, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã góp phần đưa vấn đề Biển Đông lên Liên hợp quốc.

Trong bài phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Phiên thảo luận cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam cam kết “duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông,” tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; nhấn mạnh và kêu gọi “tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ các quy trình ngoại giao và pháp lý.”

Cần nhắc lại Tuyên bố Chủ tịch tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 “nhấn mạnh sự cần thiết duy trì hoà bình và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một COC hiệu quả và có hiệu lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Những nỗ lực của Việt Nam nhằm đưa Ấn Độ tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước mà ASEAN có thỏa thuận thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand), có lẽ là một trở ngại đối với ASEAN.

Tháng 11 năm ngoái, Ấn Độ đã từ chối gia nhập hiệp ước thương mại khu vực khổng lồ này vì một số lý do, trong đó có vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc hiện nay đang ở mức thấp nhất do tình trạng đối đầu căng thẳng giữa quân đội hai nước trên dãy Himalaya và Ấn Độ đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với RCEP.

Tuy nhiên, “các nước tham gia RCEP sẽ mở rộng cửa với Ấn Độ nếu Ấn Độ quyết định tham gia RCEP trong tương lai, bởi sự tham gia của Ấn Độ sẽ có vai trò rất quan trọng về các mặt chính trị, kinh tế và khối đoàn kết châu Á.”

Việt Nam vẫn còn ba tháng nữa trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề mới đòi hỏi Việt Nam (ASEAN) phải có những biện pháp ngoại giao khôn khéo.

Đặc biệt, Dự thảo Văn bản Đơn nhất về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có thể sẽ thu hút nhiều sự chú ý sau khi Trung Quốc tuyên bố đang “đẩy nhanh và thúc đẩy tham vấn về một COC có tính ràng buộc hơn để cùng bảo vệ hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên Biển Đông”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục