Nam Định giải quyết vụ đê sông Đáy bị xâm phạm

Tỉnh ủy Nam Định chỉ đạo huyện Ý Yên đình chỉ toàn bộ hoạt động khai thác đất, sản xuất gạch ở khu Bãi Làn - vùng bảo vệ đê sông Đáy.
Sau khi TTXVN đăng loạt bài trong các ngày 21/4 và 6/5 về tình trạng vi phạm nghiêm trọng vùng bảo vệ bối đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Yên Đồng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), ông Nguyễn Khắc Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định đã chỉ đạo huyện Ý Yên khẩn trương ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động khai thác đất, sản xuất gạch tại khu Bãi Làn, trả lại nguyên trạng mặt bằng cho khu vực này.

Tỉnh chỉ đạo huyện Ý Yên báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả xử lý ngay trong tháng 5/2013.

Văn phòng Tỉnh ủy Nam Định cũng có văn bản thông báo ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Ý Yên chỉ đạo kiểm tra vụ việc báo nêu và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

[Đùn đẩy trách nhiệm trong vụ "xẻ thịt" đê sông Đáy]


Trước đó, TTXVN đăng bài "Đê sông Đáy bị đe doạ nghiêm trọng" ngày 21/4 và bài "Nam Định: Đê sông Đáy tiếp tục kêu cứu" ngày 6/5, phản ánh gần 2km đê sông Đáy thuộc địa bàn xã Yên Đồng (huyện Ý Yên) đang bị đe dọa nghiêm trọng khi khu Bãi Làn (vùng bảo vệ bối đê) thậm chí cả chân đê bị một số cá nhân xẻ thịt lấy đất làm gạch trong nhiều năm mà vẫn chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc dư luận.

Khu đất Bãi Làn sông Đáy là đất công do Ủy ban nhân dân xã Yên Đồng quản lý.

Tháng 8/2006, xã cho ông Trần Đình Thập (trú xã Yên Phúc, huyện Ý Yên) thuê gần 10ha thông qua đấu thầu, với nội dung hợp đồng là ông Thập khai thác đất sản xuất vật liệu xây dựng; trồng lúa và nuôi trồng thủy sản ở những vị trí trũng; bên B không được phép chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, chế chấp; bên B chỉ được phép đào sâu không quá 1m ở những vị trí cao (sau đó phải hoàn thổ) và đào cách chân đê từ 25m. Thời hạn hợp đồng hết tháng 8/2011.

Tuy nhiên, việc sử dụng đất không những không tuân theo hợp đồng (chuyển nhượng cho nhiều người), mà còn vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai và Luật Đê điều.

Ông Thập đã chuyển nhượng cho nhiều người là các ông Phùng Đình Gan, Phùng Minh Tuấn, Đoàn Văn Khoan và Vũ Đức Tình (đều quê huyện Phú Xuyên, Hà Nội).

Trong quá trình sử dụng, ông Phùng Đình Gan tiếp tục chuyển nhượng một phần cho các một số người khác cùng huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Các cá nhân này khai thác đất kiểu "tận thu" để sản xuất và đốt gạch tại chỗ. Khu bãi Làn vốn gần như bằng phẳng xưa kia nay bị đào nham nhở, nhiều chỗ sâu tới vài mét, ngay sát chân đê cũng bị đào lấy đất làm gạch. Sự việc diễn ra đã nhiều năm mà không bị xử lý.

Ngay sau TTXVN nêu vụ việc, ông Nguyễn Khắc Hưng - Phó Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã trực tiếp về kiểm tra thực tế tại Bãi Làn; khẳng định việc khai thác đất và sản xuất gạch tại đây là sai phạm.

Động thái trên của Tỉnh ủy Nam Định thể hiện sự quan tâm chỉ đạo kịp thời trước vấn đề TTXVN phản ánh. Tuy nhiên, tại Hội nghị Giao ban Báo chí tỉnh Nam Định chiều 28/5, ông Đỗ Văn Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định lại cho rằng việc khai thác lấy đất làm gạch tại Bãi Làn là có ảnh hưởng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng.

Còn người dân ở đây cho biết huyện Ý Yên từng chứng kiến hai đợt vỡ đê nghiêm trọng vào năm 1971 và 1985./.

Nguyễn Trường (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục