Nam Định gỡ khó cho hàng trăm trạm BTS xây dựng không phép

Nam Định hiện có 740 trạm BTS, trong đó có 705 trạm loại 1 (bắt buộc phải có giấy phép xây dựng) và 35 trạm loại 2 (không cần giấy phép).

Các sở, ngành chức năng tỉnh Nam Định đang lên kế hoạch rà soát, đánh giá chất lượng các trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) để hoàn tất thủ tục "hợp thức hóa" các trạm được xây dựng mà không xin phép trước cuối quý 3/2015.

Nam Định hiện có 740 trạm BTS, trong đó có 705 trạm loại 1 (bắt buộc phải có giấy phép xây dựng) và 35 trạm loại 2 (không cần giấy phép). Tuy nhiên, trong số trạm BTS loại 1, chỉ 323 trạm có giấy phép xây dựng và 382 trạm còn lại (chiếm 54%) không có giấy phép.

Trong số các trạm được xây dựng mà không có giấy phép, Viễn thông Nam Định chiếm số lượng nhiều nhất với 217 trạm; Chi nhánh Mobifone Nam Định có 3 trạm; Chi nhánh Viettel Nam Định 53 trạm; Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Vietnammobile) 18 trạm; Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu (Gtel) 23 trạm; các doanh nghiệp khác 68 trạm.

Tất cả số trạm này đang hoạt động, cung cấp các dịch vụ 2G, 3G, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Nam Định.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định, nguyên nhân là do các doanh nghiệp viễn thông khi xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động không xin ý kiến của Sở về vị trí lắp đặt phù hợp với quy hoạch phát triển Viễn thông giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định phê duyệt.

Các doanh nghiệp viễn thông chưa thực hiện đầy đủ thủ tục trong việc đầu tư xây dựng trạm BTS. Một số trạm xây dựng theo hình thức xã hội hóa thực hiện thủ tục đầu tư không dúng quy định; thiếu thủ tục về đất đai hoặc bị khiếu kiện vì vấn đề môi trường.

Đại diện một số doanh nghiệp viễn thông viện dẫn những lý do khách quan đưa tới tình trạng không có hoặc khó làm thủ tục xin cấp phép xây dựng là do nhiều trạm BTS của nhà cung cấp dịch vụ được xây dựng trước khi có quy định và quy hoạch liên quan.

Các trạm được xây dựng trên đất thuê lại của dân nên không thể có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến đã giao Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng các công trình, đồng thời giải quyết thủ tục về đất đai.

Các trạm BTS sau khi kiểm tra, đánh giá, kiểm định nếu đảm bảo chất lượng theo quy định và nằm trong khu vực quy hoạch sẽ được tiếp tục hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục