Nam Định, Hải Phòng dồn lực chống diễn biến khó lường của bão số 3

Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 3, các địa phương của Nam Định, Hải Phòng dồn toàn lực, triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với bão.
Nam Định, Hải Phòng dồn lực chống diễn biến khó lường của bão số 3 ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra tuyến đê biển Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 3, chiều 18/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã về kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tỉnh Nam Định.

Sau khi kiểm tra việc kêu gọi sắp xếp tàu thuyền tại cảng cá Ninh Cơ, công tác gia cố đê biển Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao công tác ứng phó với cơn bão số 3 của tỉnh.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1, Phó Thủ tướng yêu cầu Nam Định cần chủ động hơn nữa, có giải pháp ứng phó phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Với nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, các lực lượng chức năng của tỉnh phải tập trung kêu gọi tất cả các tàu thuyền còn nằm trong vùng ảnh hưởng của bão vào nơi tránh trú an toàn. Các xã, thị trấn ven biển khẩn trương di dân tại các chòi canh ngao, lều, chòi nuôi thủy sản bên ngoài đê biển vào bờ.

Phó Thủ tướng đề nghị các huyện, thành phố của tỉnh Nam Định rà soát và có phương án di dời dân trong các ngôi nhà yếu, nhà tạm sang các nhà cao tầng, kiên cố trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Các địa phương trong tỉnh tập trung bảo vệ các công trình xung yếu như: trường học, bệnh viện, kho tàng, cơ sở sản xuất...

Cùng với đó, Nam Định phải chú trọng kiểm tra, canh gác, gia cố các tuyến đê biển, đê sông, nhất là những đoạn đê kè xung yếu, bị bong xô, sụt, sạt, hư hỏng do bão số 1 vừa qua.

Tỉnh cũng cần tập trung nhân lực, phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời, không để xảy ra vỡ đê, tràn đê ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân; tiêu rút nước đệm, bảo vệ diện tích lúa mùa, hoa màu và vùng nuôi trồng thủy sản.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết địa phương đang dồn toàn lực, triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với bão số 3.

Hiện tỉnh đã thực hiện cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang khẩn trương huy động toàn lực để gia cố các khu vực đê xung yếu; kêu gọi tàu thuyền và ngư dân vào bờ, phấn đấu mọi công việc sẽ hoàn tất vào sáng 19/8.

Nam Định hiện có trên 2.000 tàu với hơn 5.000 ngư dân thường xuyên hoạt động trên biển; hơn 800 lao động tại 732 lều, chòi canh ngao, nuôi trồng thủy sản. Hiện Nam Định còn trên 300 tàu thuyền đang ngoài khơi. Các lực lượng chức năng của tỉnh đang khẩn trương kêu gọi các phương tiện vào nơi tránh trú an toàn...

Nam Định, Hải Phòng dồn lực chống diễn biến khó lường của bão số 3 ảnh 2Đê biển Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định bị hư hỏng do bão số 1 vừa mới được gia cố. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Cùng ngày, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu cùng lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các tuyến đê và việc neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại bến cảng trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Qua thị sát tình hình thực tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu lãnh đạo, chính quyền thành phố Hải Phòng tập trung, sát sao chuẩn bị tốt công tác phòng chống bão số 3 với tinh thần "4 tại chỗ"; đặc biệt quyết liệt chỉ đạo bảo đảm an toàn tuyệt đối an toàn cho nhân dân và khách du lịch; khẩn trương kêu gọi các tàu, thuyền đang hoạt động trong Vịnh Bắc Bộ vào nơi trú tránh và hướng dẫn, sắp xếp các tàu thuyền đã về đất liền neo đậu đảm bảo an toàn; do cơn bão đi nhanh hơn dự báo nên phải thực hiện cấm biển để bảo đảm an toàn.

Các địa phương tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh nên các địa phương ven biển không thể chủ quan trước tình hình mưa bão. Chính quyền các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đê, hồ đập; tăng cường tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ đê theo quy định, chủ động việc tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn cho hơn 5.000ha nuôi trồng thủy sản; triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị để chủ động ứng phó với tình trạng ngập lụt có thể xảy ra.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng đã phân công 5 đoàn công tác trực tiếp về các địa phương để theo dõi chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Đến 17 giờ ngày 18/8, lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm đếm hơn 2.500 phương tiện với hơn 7.700 người đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các vị trí dự báo chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong đó đặc biệt lưu ý có 20 phương tiện đang hoạt động cách đảo Bạch Long Vĩ từ 1 đến 15 hải lý.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Lê Khắc Nam cho biết từ 17 giờ ngày 18/8, Hải Phòng thực hiện nghiêm lệnh cấm biển nhằm bảo đảm an toàn về người và phương tiện đang hoạt động trên biển.

Thành phố Hải Phòng đã dừng tất cả các cuộc họp, tập trung cao độ phòng chống bão số 3; theo dõi chặt chẽ diễn biến, hướng đi của bão, chủ động các phương án "4 tại chỗ" không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Các địa phương, đơn vị kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, nhất là các công trình tại Cát Hải, Bạch Long Vỹ, cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng; chủ động phương án tiêu thoát nước cho đô thị, sản xuất nông nghiệp; tuỳ tình hình mưa bão để có phương án chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm tránh tai nạn.

Đặc biệt, trước 9 giờ ngày 19/8, các địa phương phải thực hiện nghiêm lệnh di dân ra khỏi 4 vùng nguy hiểm là các khu vực ngoài đê, chung cư nguy hiểm, các lồng bè và những khu vực có khả năng sạt lở cao, trường hợp người dân không chịu di dời sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế; đồng thời tiếp tục cho hạ mực nước đệm, rút nước tại các hồ chứa.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đang kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục