Năm học 2015-2016: Sẽ sáp nhập, giải thể các trường khó tuyển sinh

Năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cơ cấu lại hệ thống, xếp hạng và phân tầng các trường đại học, tiếp tục đổi mới kiểm định chất lượng và công tác tuyển sinh
Năm học 2015-2016: Sẽ sáp nhập, giải thể các trường khó tuyển sinh ảnh 1Các trường đại học sẽ được sắp xếp, cơ cấu lại. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cơ cấu lại hệ thống, xếp hạng và phân tầng các trường đại học, phát triển chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, đổi mới công tác kiểm định chất lượng và tuyển sinh đầu vào…

Đó là những nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2015-2016 tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 khối đại học, cao đẳng.

Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 22/10, tại Hà Nội.

“Đã chuyển hướng thành công”

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định “năm học 2014-2015 giáo dục đại học đã có những chuyển hướng thành công."

Bộ đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện đổi mới quản lý các cơ sở đào tạo với 30 văn bản được ban hành. Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát để thay thế các văn bản quy phạm pháp luật cũ theo hướng giảm quy mô, chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong năm học 2014-2015, Bộ cũng tiếp tục điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo, cơ cấu tuyển sinh theo hướng phù hợp với nhu cầu sử dụng và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, quản lý chặt chẽ việc mở ngành.

Năm học 2014-2015, các trường thí điểm tự chủ được giao quyền mạnh mẽ hơn về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, thu học phí.

Một điểm đổi mới không thể không nhắc đến trong năm học vừa qua là đổi mới công tác tuyển sinh đại học. Sau 13 năm liền Bộ tổ chức thi tuyển theo hình thức ba chung, lần đầu tiên Bộ tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia với mục đích lấy điểm thi vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học. Các thí sinh có thể thi tại địa phương hoặc tại cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì.

Việc đổi mới thi đã giúp giảm áp lực lớn cho thí sinh và phụ huynh khi chỉ còn một kỳ thi thay vì 4 kỳ thi. Trong việc xét tuyển đại học cũng cho thấy sự phân tầng rất rõ giữa các trường đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận trong xét tuyển đại học còn một số bất cập trong đợt xét tuyển đầu tiên như thời gian xét tuyển quá dài, đến 20 ngày, cho thí sinh được rút hồ sơ không hạn chế… đã gây xáo trộn ở các trường đại học lớn.

Theo lãnh đạo Bộ, những vấn đề này sẽ được Bộ rút kinh nghiệm để không tái diễn ở các năm tiếp theo.

Năm học 2015-2016: Sẽ sáp nhập, giải thể các trường khó tuyển sinh ảnh 2Đại học Hà Hoa Tiên, một trong những trường được cho là gặp khó khăn trong tuyển sinh nhiều năm qua. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Đẩy mạnh phân tầng đại học

Báo cáo tại Hội nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016, giáo dục đại học xác định các nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống, phát triển khung chương trình đào tạo và tiếp tục đổi mới tuyển sinh.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, về phân tầng, các trường đại học sẽ được cơ cấu thành ba tầng là đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng và đại học thực hành, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. 

Việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học sẽ dựa trên quy định mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong số này, Bộ sẽ chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chuyển đổi trường dân lập sang tư thục. 

Bộ cũng sẽ hạn chế tối đa việc nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập.

Với các trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh những năm gần đây, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để cơ cấu lại. Cụ thể, các cơ sở này có thể chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển thành phân hiệu của các trường đại học có uy tín…

Đổi mới công tác tuyển sinh cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và cũng là nội dung được hàng triệu học sinh, phụ huynh quan tâm.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015 về cơ bản vẫn duy trì như năm 2014. 

Riêng trong tuyển sinh đại học sẽ có nhiều thay đổi. Bộ đang dự kiến sau khi có điểm sẽ cho các trường tự tổ chức tuyển sinh, Bô chỉ quy định thời gian xét tuyển và ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào.

“Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để có thể hoàn thiện phương án tuyển sinh tối ưu,” ông Ga nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục