Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất trong tuần

Hai cổ phiếu của bầu Đức là HNG và HAG có một tuần đáng nhớ khi lần lượt chia nhau vị trí quán quân và á quân trong top tăng giá trên sàn HoSE.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất trong tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Hai cổ phiếu của bầu Đức là HNG và HAG có một tuần đáng nhớ khi lần lượt chia nhau vị trí quán quân và á quân trong top tăng giá trên sàn HoSE.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 12/8 cho thấy, trên sàn HoSE, mã HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai chiếm vị trí đầu bảng.

HNG có trọn vẹn một tuần tăng giá trong đó có 4 phiên tăng kịch trần. Từ mức giá 5.600 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước, HNG đã tăng lên ngưỡng 7.200 đồng/cổ phiếu chốt phiên 12/8. Tỷ lệ tăng giá theo tính toán là gần 29%.

Tình cảnh này khá trái ngược so với tuần trước. Trong những phiên giao dịch đầu tháng Tám, HNG chỉ có 1 phiên đi ngang còn lại 4 phiên đều mất giá khá mạnh. Chuỗi ngày mất giá này xuất phát từ tin đồn trong những ngày trước đó về việc HNG sẽ hủy niêm yết.

Phía HNG sau đó đã phải lên tiếng khẳng định tin đồn cổ phiếu công ty sẽ hủy niêm yết là thông tin hoàn toàn không chính xác và không có căn cứ. Theo lãnh đạo công ty, công ty không vi phạm các quy định bị hủy niêm yết cổ phiếu và bản thân HNG cũng không có chủ trương này.

Công ty cũng khuyến nghị cổ đông và nhà đầu tư nên tiếp cận nguồn thông tin chính thức từ trang thông tin điện tử của công ty, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh để có thông tin xác thực.

Không chỉ riêng HNG khởi sắc trong tuần qua, HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cũng chẳng mấy kém cạnh khi giữ tỷ lệ tăng gần 27,5%.

Trong tuần qua, HAG và HNG cùng thông báo ngày 23/8 là ngày chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đông cổ đông thường niên 2016. HAG dự kiến tổ chức đại hội ngày 15/9 tại tỉnh Gia Lai. HNG cũng sẽ tổ chức tại đây với ngày dự kiến là 12/9.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất trong tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mã TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành vẫn chưa thoát khỏi chuỗi ngày rớt giá khi đứng vị trí thứ 2 nhóm mất giá.

TTF tuần này tiếp tục có thêm 5 phiên nện sàn nâng tổng số phiên giảm kịch biên độ lên tới 19 phiên liên tiếp. Chốt phiên ngày 12/8, mã này hiện có giá 11.400 đồng/cổ phiếu, giảm 4.700 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước.

Trước đó, TTF đã chính thức công bố kết quả kinh doanh quý 2 với số lỗ lên tới 1.128 tỷ đồng. Tình cảnh này trái ngược so với cùng kỳ năm ngoái khi trong quý 2 năm 2015, TTF vẫn có doanh thu tới gần 620 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 107 tỷ đồng.

Tuần qua, thông tin đáng chú ý liên quan tới TTF là cơ quan chức năng đã quyết định đưa cổ phiếu này vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 9/08.

Theo văn bản gửi tới TTF, báo cáo tài chính quý 2/2016 của công ty ghi nhận khoản lỗ lớn và có nội dung điều chỉnh hồi tố ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của công ty. Qua đó, việc đưa cổ phiếu TTF vào diện kiểm soát đặc biệt theo đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư theo quy định.

Mất giá nhiều nhất sàn là mã DRH của Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước. Sau 1 tuần giảm giá liên tiếp, DRH hiện có giá 38.700 đồng/cổ phiếu, kém 11.600 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước. Tỷ lệ giảm giá của DRH trong tuần qua lên tới gần 30%.

Bên sàn HNX, mã BSC của Công ty cổ phần Dịch vụ Bến Thành là mã tăng giá mạnh nhất sàn tuần này.

Công ty trong nhóm ngành vận tải và kho bãi có một tuần ngập trong sắc tím và có thêm tới 12.800 đồng/cổ phiếu sau 5 phiên giao dịch. Tỷ lệ tăng giá của BSC vượt xa phần còn lại của bảng xếp hạng khi lên tới hơn 60%. Mã BXH đứng vị trí ngay sau BSC thậm chí chỉ có tỷ lệ hơn 31%.

Theo báo cáo bán niên vừa được BSC công bố, doanh thu nửa đầu năm nay của công ty tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm.

Báo cáo cho thấy, doanh thu trong 6 tháng năm nay của BSC khoảng hơn 13,7 tỷ đồng với lãi khoảng 705 triệu đồng. Trong khi ấy, với doanh thu cũng gần đạt 13,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của cùng kỳ năm ngoái lên tới gần 1,4 tỷ đồng.

Theo lý giải từ phía BSC, trong 6 tháng năm ngoái, công ty có thêm khoản thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng cổ phiếu của Công ty cổ phần thương mại Cần Thơ. Doanh thu từ hoạt động khác của công ty theo đánh giá là không biến động nhiều.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất trong tuần ảnh 3

Với nhóm mất giá, CTP của Công ty cổ phần Thương Phú là mã đứng vị trí đầu tiên.

Cổ phiếu vừa chính thức lên sàn HNX từ cuối tháng trước phải chịu cảnh mất giá 5 phiên liên tiếp tuần này. Từ mức giá 13.800 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước, CTP hiện còn 10.000 đồng/cổ phiếu, ứng với mức giảm hơn 28%.

CTP mới chính thức được niêm yết trên sàn HNX từ 28/7. Theo giới thiệu, CTP có hoạt động kinh doanh chính là chế biến càphê thóc và càphê nhân Arabica, với 90% tiêu thụ ở thị trường trong nước và 10% là xuất khẩu sang nước ngoài thông qua ủy thác xuất khẩu.

Hiện nay, CTP đã đầu tư hệ thống nhà máy sản xuất và dây chuyền chế biến quả tươi đạt chất lượng cao trên tổng diện tích nhà máy hơn 13.000 m2.

Trong báo cáo kinh doanh 6 tháng của CTP, công ty này có doanh thu hơn 48 tỷ đồng với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là hơn 2,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo tính toán là trên 2,1 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục