Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Á quân nhóm tăng giá tuần trước, mã PNC của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam tiếp tục có 4 phiên tăng trần liên tục và dễ dàng chiếm ngôi đầu bảng tuần này.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Á quân nhóm tăng giá tuần trước, mã PNC của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam tiếp tục có 4 phiên tăng trần liên tục và dễ dàng chiếm ngôi đầu bảng tuần này.

Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 24/7 cho thấy, trên sàn HoSE, mã PNC đã có một tuần thăng hoa với trọn vẹn 5 phiên tăng giá. Điều này giúp PNC tăng giá từ 14.000 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước lên 18.200 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 30%.

Đây là tuần thứ 2 liên tiếp PNC xuất hiện trong top 5 mã tăng giá trên sàn HoSE. Một tuần trước, mã này cũng tăng gần 21% và đứng ở vị trí thứ 2.

Như đã thông tin trước đó, trong quý 1, PNC mặc dù có doanh thu tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước nhưng đơn vị này vẫn chịu khoản lỗ gần 3,9 tỷ đồng.

Trong đại hội cổ đông vừa tổ chức tuần trước, việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đạt 10 tỷ đồng theo một số ý kiến cổ đông là khó hoàn thành.

Thông tin mới nhất tuần này về PNC là thông báo chung của công ty này với Công ty Envoy Media Partners (EMP) về khoản góp trong CGV Việt Nam.

Trong văn bản gửi tới cơ quan chức năng, 2 công ty khẳng định việc góp vốn liên doanh giữa các bên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, tỷ lệ vốn góp của PNC trong liên doanh CGV Việt Nam là 20% vốn điều lệ và PNC đã hoàn thành nghĩa vụ góp vốn.

Ngoài ra, phía EMP cũng xác nhận PNC chưa chuyển nhượng bất kỳ khoản vốn góp nào trong liên doanh cho chủ thể khác, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

"Do đó, các thông tin về việc PNC chuyển nhượng vốn trong liên doanh là thông tin sai sự thật, gây hoài nghi về cơ cấu vốn đầu tư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nhà đầu tư nước ngoài, gây ra những nhiễu loạn trên thị trường đầu tư," thông báo của PNC và EMP có đoạn.

Đứng ở vị trí thứ 2 là mã HLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long. Trong tuần này, HLG đã có tròn 1 tuần nhuộm sắc tím với tổng mức tăng sau 5 phiên là 500 đồng/cổ phiếu. Mức tăng trên tương đương tỷ lệ gần 22%.

Kết quả kinh doanh trong báo cáo gần đây nhất của HLG thực tế không mấy khả quan. Trong quý 1, HLG mặc dù đã giảm lỗ hơn 734 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau 3 tháng vẫn âm gần 14,8 tỷ đồng.

Theo giải trình, HLG cho rằng do thị trường cá tra thế giới chững lại nên nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu tăng trưởng. Bên cạnh đó hoạt động kinh doanh taxi trong kỳ này của HLG cũng chưa hiệu quả.

Đứng ở các vị trí còn lại là HAX, HTL và TDW với tỷ lệ tăng ở ngưỡng 14,63%-19,39%.

Ở chiều ngược lại, nhóm giảm giá nhiều nhất tuần xuất hiện cái tên cũ là AMD của Công ty cổ phần Đầu tư AMD Group ở vị trí thứ 4. Tuần trước, AMD chính là mã mất giá nhiều nhất sàn HoSE với mức giảm gần 19%.

Đứng ở vị trí số 1 nhóm mất giá tuần này là mã BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital. Ngoài phiên tăng giá 1.000 đồng/cổ phiếu đầu tuần, BCG liên tục nện sàn trong 4 phiên liên tiếp sau đó. Sau 5 phiên, mã này đã mất tổng cộng 4.000 đồng/cổ phiếu (-21,05%).

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Bên sàn HNX, mã PPE của Công ty cổ phần Tư vấn điện lực dầu khí Việt Nam là mã tăng giá mạnh nhất trên sàn tuần qua.

PPE đã có 1 tuần ngoạn mục với 5 phiên leo dốc liên tiếp trong đó có 3 phiên tăng kịch trần. Mã này kết thúc tuần ở mức giá 12.800 đồng/cổ phiếu, tăng gần 44% so với cuối tuần trước.

Trong quý 1 năm nay, doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ tư vấn quản lý môi trường, khoa học kỹ thuật này chỉ có doanh thu hơn 1 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số trên 1,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của PPE thậm chí chỉ đạt gần 14 triệu đồng.

Trong giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, PPE cho biết, mức lợi nhuận trong quý 1 đã giảm 54,96%. Nguyên nhân theo PPE là do doanh thu tư vấn thiết kế giảm trong khi thu từ tư vấn khảo sát không tăng.

Đứng sau PPE, mã KVC của Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ có tỷ lệ tăng giá hơn 38% và xếp ở vị trí thứ 2.

Với KVC, đơn vị này vừa công bố mức lợi nhuận quý 2 với mức tăng lên tới 146% so với quý 2 năm 2014. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của KVC trong quý 2 đạt gần 6,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân mức tăng trên được phía KVC giải trình là do cuối năm 2014, đơn vị này đã đầu tư máy cán 7.000 tấn/năm, tăng sản lượng thép không gỉ cán nguội ra thị trường. Máy móc đã được nhập về và chính thức vận hành từ quý 2 năm nay.

Việc mở rộng công suất trên cùng với hệ thống khách hàng đông đảo, giá bán hợp lý theo KVC là nguyên nhân giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng như trên.

PMS, PIV và TAG là các mã đứng ở những vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng với tỷ lệ tăng dao động ở mức 20%-33,98%.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Về những mã giảm giá, mã TET của Công ty cổ phần Vải sợi may mặc miền Bắc đã đánh rơi 5.700 đồng/cổ phiếu trong những phiên giao dịch tuần qua và chấp nhận là mã giảm giá mạnh nhất. Mức giảm trên tương tỷ lệ là 25,91%.

Ngoài 2 phiên đi ngang giữa tuần, TET liên tục chìm trong cảnh mất giá trong đó đặc biệt là phiên nện sàn ngày 20/7 với mức giảm 2.200 đồng/cổ phiếu.

Theo kết quả kinh doanh mới nhất của TET, doanh thu của đơn vị này trong quý 2 giảm 7,12% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế thì giảm tới 94,87%.

Theo TET, lý do giảm lợi nhuận là do trong quý 2, chi phí phân bổ dài hạn tăng so với quý 2 trên 2 tỷ đồng. Trong khi ấy, doanh thu bán hàng và dịch vụ trong quý 2 năm nay cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái khoảng trên 800 triệu đồng.

Bốn mã ở những thứ hạng tiếp theo là SCL, SVN, SHN và LM7 có mức giảm từ 17,78%-20,45%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục