Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Trong một tuần tăng giảm đan xen của thị trường, mã POM của Công ty cổ phần Thép Pomina vẫn có tới 4 phiên nhuộm sắc tím và có tỷ lệ tăng gần 28%.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Trong một tuần tăng giảm đan xen của thị trường, mã POM của Công ty cổ phần Thép Pomina vẫn có tới 4 phiên nhuộm sắc tím và có tỷ lệ tăng gần 28%.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 18/3 cho thấy, ngoài 1 phiên cuối tuần đi ngang, POM có tới 4 phiên còn lại tăng kịch trần.

Tổng mức tăng sau 5 phiên của POM là 1.800 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ tăng 26,69%.

Trong báo cáo tài chính công ty mẹ trong quý 4 năm 2015 của POM, mặc dù có doanh thu giảm sút so với cùng kỳ năm trước nhưng đơn vị này đã lãi hơn 65 tỷ đồng. Trong khi ấy, quý 4 năm 2014, công ty này lỗ hơn 17 tỷ đồng.

Nguyên nhân được đại diện POM chỉ ra là nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 đã bắt đầu có lãi do giảm một phần gánh nặng lãi vay dài hạn.

Lũy kế cả năm, công ty mẹ lãi 19,3 tỷ đồng trong khi năm 2014, POM phải gánh mức lỗ lên tới 67,7 tỷ đồng.

ATA, VOS, TNA và IJC là những mã đứng sau phía sau POM với tỷ lệ tăng giá từ 16,44% tới 21,74%.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mã SVT của Công ty cổ phần Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông tiếp tục góp mặt trong nhóm giảm giá ở vị trí thứ 3.

Đây là tuần thứ hai liên tiếp SVT xuất hiện trong nhóm mất giá nhiều nhất sàn HoSE. Tuần trước, SVT thậm chí còn phải chấp nhận là mã giảm giá nhiều nhất sàn với mức giảm lên tới hơn 24%.

Tuần này, đà lao dốc của SVT vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại khi có tới 4/5 phiên mất giá. Mã này qua đó đã giảm tổng cộng 2.900 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước, tương đương mức giảm gần 21%.

Như đã thông tin trước đó, doanh thu thuần quý 4 năm 2015 của SVT đạt trên 18 tỷ đồng, tăng tới 146% so với cùng kỳ năm trước đó. Nguyên nhân được lãnh đạo SVT chỉ ra do lĩnh vực kinh doanh giấy thương mại tăng hơn 10 tỷ đồng so với năm 2014.

Lợi nhuận sau thuế của công ty qua đó được thống kê ở mức 1,87 tỷ đồng, tăng 1,55 tỷ đồng, tương đương khoảng 473% so với quý 4 năm 2014.

Mất giá nhiều nhất trên sàn tuần này là BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital. Doanh nghiệp nhóm ngành tài chính và bảo hiểm này đã có một tuần đáng quên với trọn vẹn 5 phiên lao dốc trong đó 4 phiên nện sàn.

Thông tin trong tuần này liên quan tới BCG là thông báo việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 dự kiến diễn ra ngày 5/4.

Báo cáo quý 4 năm 2015 của công ty mẹ BCG cho thấy, doanh thu trong quý tăng tới 345% so với quý 4 năm 2014. Việc doanh thu tăng theo lý giải do BCG năm 2015 đẩy mạnh kinh doanh thương mại thay vì chỉ tư vấn như năm 2014.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Bên sàn HNX, mã BHT của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bạch Đằng TMC là cái tên đứng đầu nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng giá gần 33%.

Tuần này, ngoài phiên cuối tuần giảm nhẹ, 4 phiên còn lại của BHT đều tăng giá khá mạnh, trong đó đặc biệt là 3 phiên tăng kịch trần. Tổng mức tăng sau 1 tuần giao dịch của BHT là 1.500 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, vào cuối tháng Một, hội đồng quản trị của BTH đã thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chức vụ Tổng giám đốc thay cho ông Đinh Đức Tân. Mặc khác, ông Nguyễn Văn Hợp không được bổ nhiệm tiếp tục làm kế toán trưởng, thay thế bằng bà Dương Thị Thủy.

Ngoài ra, hội đồng quản trị của đơn vị này đã thông qua kế hoạch quý 1 và cả năm nay với giá trị doanh thu là 51,11 tỷ đồng, giá trị thu hồi vốn là 40,1 tỷ đồng.

Trước đó, kết quả kinh doanh năm 2015 của BHT cho thấy, đơn vị này có doanh thu hơn 9,3 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Cả năm 2015, đơn vị này đã lỗ hơn 5,7 tỷ đồng.

Với nhóm mất giá, mã SGO của Công ty cổ phần Dầu thực vật Sài Gòn là cái tên đứng đầu với tỷ lệ giảm trên 26%.

SGO chỉ giữ được sắc xanh trong 1 phiên duy nhất ngày 16/3 trong khi 4 phiên còn lại là chuỗi dài trượt dốc. Kết thúc tuần, SGO giảm 2.500 đồng/cổ phiếu và hiện ở mức 7.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, SGO đã chính thức lên sàn HNX từ 16/12/2015. Đó cũng là ngày giao dịch đầu tiên của 20 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Dầu thực vật Sài Gòn với giá tham chiếu 11.500 đồng/cổ phiếu.

Năm 2015 cũng là năm đầu tiên SGO thực hiện báo cáo tài chính quý nên chưa có sự so sánh tuy nhiên thống kê cho thấy, riêng trong quý 4 năm 2015, doanh thu của đơn vị này là gần 109 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế được tính toán gần 5,5 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục