Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Mặc dù đã ra thông cáo giải thích sau những tin đồn không mấy lạc quan nhưng mã DRH vẫn khó tránh khỏi vị trí đứng đầu nhóm mất giá trên sàn HoSE.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Mặc dù đã ra thông cáo giải thích sau những tin đồn không mấy lạc quan nhưng mã DRH vẫn khó tránh khỏi vị trí đứng đầu nhóm mất giá trên sàn HoSE.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 22/7 cho thấy, trên sàn HoSE, mã DTL của Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc đứng đầu nhóm tăng giá.

DTL chỉ có 1 phiên đi ngang đầu tuần, còn lại 4 phiên tăng giá sau đó giúp mã này có thêm tổng cộng 3.600 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ tăng giá của DLT theo tính toán là gần 24%.

Trước đó, Đại hội cổ đông thường niên của DLT đã thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016. Cụ thể, theo đại hội đã nhất trí mức doanh thu trong năm 2015 là hơn 1.853 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm hơn 63 tỷ đồng.

Theo kế hoạch sản xuất năm nay đã được thông qua, DTL dự kiến doanh thu là 2.100 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế ở mức 80 tỷ đồng.

Về công tác đầu tư, trong giai đoạn từ năm 2016 và năm 2017, tại Khu công nghiệp Sóng thần 3 (Bình Dương), đại diện DTL cho biết sẽ đầu tư thêm 10 dây chuyền cán ống với nhiều kích thước khác nhau với giá trị đầu tư khoảng 45 tỷ đồng. Qua đó, tổng giá trị dự án đầu tư tại khu vực này của DTL dự kiến sẽ được nâng lên mức 1.045 tỷ đồng.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mất giá nhiều nhất sàn là mã DRH của Công ty cổ phần Đầu tư căn nhà mơ ước.

Cũng giống như quán quân nhóm tăng giá, DRH giữ mức đi ngang đầu tuần. Tuy nhiên, với DRH, tình hình bỗng chốc trở nên vô cùng ảm đạm trong những phiên sau đó với 4 phiên liên tiếp mất giá trong đó có 3 phiên nện sàn.

Mức giá chốt phiên ngày 22/7 của DRH ở mức 59.500 đồng/cổ phiếu, giảm 16.500 đồng/cổ phiếu sau với cuối tuần trước. Tỷ lệ giảm của DRH qua đó ở mức gần 22%.

DRH chính là tâm điểm của thị trường trong những ngày qua sau những tin đồn về hoạt động của DRH gặp vấn đề. Phía DRH trong tuần qua đã có thông cáo khẳng định trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động của DRH đã có những khởi sắc và tăng trưởng ấn tượng.

Theo đại diện DRH, mặc dù doanh thu có suy giảm so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận của công ty đạt 12,12 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm 2015 (1,97 tỷ đồng).

"Kết quả này là do công ty có định hướng chuyển hướng hoạt động sang những hoạt động sinh lời hiệu quả. Lợi nhuận này chưa bao gồm khoản cổ tức đã được chia từ KSB và phần lợi nhuận theo công ty liên kết với KSB dự kiến sẽ hạch toán vào cuối năm," thông cáo của DRH có nêu.

Qua đó, lãnh đạo DRH khẳng định: "Hoạt động kinh doanh của DRH vẫn bình thường và tăng trưởng tốt."

Bên sàn HNX, mã BSC của Công ty cổ phần Dịch vụ Bến Thành tiếp tục xuất hiện trong nhóm tăng giá với vị trí thứ 5.

Đây là tuần thứ 2 liên tiếp BSC chen chân trong nhóm tăng giá. Trước đó, BSC chính là quán quân nhóm này trên sàn HNX.

Liên quan tới BSC, lãnh đạo công ty này trước đó đã chính thức công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2016 với 6,78 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là hơn 283 triệu đồng. Những kết quả này giảm lần lượt 5,2% và 37,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng đầu nhóm tăng giá tuần này là mã DZM của Công ty cổ phần Chế tại máy Dzĩ An. Công ty trong ngành sản xuất trang thiết bị, dụng cụ điện đã có 1 tuần gần như nhuộm kín trong sắc tím. Tỷ lệ tăng giá của DZM theo tính toán là vượt trội so với nhóm còn lại khi ở mức gần 52%.

Trước đó, Đại hội cổ đông thường niên của DZM đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 của công ty mẹ với doanh thu 262 tỷ đồng, gấp đôi năm trước và mức lợi nhuận sau thuế là 21,8 tỷ đồng.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Ở nhóm mất giá, mã DLR của Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt là cái tên mất giá nhiều nhất sàn.

DLR đã có một tuần đáng quên với 5 phiên giảm kịch biên độ và mất tổng cộng 4.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ giảm giá của mã này trong tuần qua lên tới gần 40%.

Trong tuần qua, DLR đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 năm nay với doanh thu thuần trong quý ở mức hơn 18,2 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong quý 2, DLR vẫn phải chịu lỗ ròng gần 1 tỷ đồng. Theo báo cáo, giá vốn hàng bán trong quý tăng gần 7% khiến lãi gộp hàng bán chỉ còn 2,28 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng mạnh gấp 3 lần so với quý 2 năm ngoái cũng khiến DLR phải lâm vào cảnh lợi nhuận âm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DLR có tổng doanh thu gần 30 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ và qua đó lỗ ròng gần 3,5 tỷ đồng.

Theo giải trình, nguyên nhân tình hình trên một phần do công ty đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư một số dự án nên chưa phát sinh doanh thu. Trong khi ấy, phía công ty còn phải chịu chi phí quản lý cũng như chi phí khấu hao và lãi vay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục