Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Mã TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành vẫn chưa thoát cảnh phải góp mặt trong nhóm mất giá trên sàn HoSE.
Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Mã TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành vẫn chưa thoát cảnh phải góp mặt trong nhóm mất giá trên sàn HoSE. Trong khi ấy, ở sàn HNX, vị trí quán quân top tăng giá trên sàn thuộc về mã CAN với tỷ lệ tăng giá chỉ là 29%, thấp hơn nhiều so với mức tăng thường thấy cho vị trí số 1 những tuần gần đây.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 29/7 cho thấy, trên sàn HoSE, mã STG của Công ty cổ phần Kho vận Miền Nam đứng đầu nhóm tăng giá.

STG đã có một tuần thăng hoa với trọn vẹn 5 phiên tăng giá trong đó có 2 phiên tăng kịch trần. Tỷ lệ tăng giá của STG theo tính toán là gần 26%.

Trước đó, báo cáo tài chính riêng quý 2 của STG cho thấy doanh thu chỉ đạt khoảng 188 tỷ đồng, kém xa mức hơn 298 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đặc biệt là lợi nhuận sau thuế của STG trong quý 2 năm nay lại cao gần gấp 4 lần quý 2 năm 2015.

Đáng chú ý trong báo cáo quý 2 năm nay của STG là doanh thu hoạt động tài chính lên tới hơn 17 tỷ đồng. Đây là một trong những lý do giúp lợi nhuận của công ty năm nay tăng đột biến. Cùng kỳ năm ngoái, doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ là hơn 292 triệu đồng.

Một loạt chi phí khác của STG trong năm nay như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm so với năm ngoái. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 2 năm nay chỉ là gần 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lên tới hơn 16 tỷ đồng.

Trong tuần này, một trong những thông tin liên quan tới công ty này là STG đã mua 5 triệu cổ phiếu của công ty ngành vận tải đường thủy là Công ty cổ phần Vận tải Đa phương thức (VTX). Sau giao dịch, STG đã nắm hơn 15 triệu cổ phiếu tại VTX và tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại đây từ 51% lên 75%.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 2

Ở phía ngược lại, mất giá nhiều nhất sàn là mã TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.

Mức giá chốt phiên ngày 29/7 của TTF chỉ ở mức 23.100 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với mức 32.800 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước. Tỷ lệ giảm của TTF được tính toán ở mức gần 30%. Đây là kết quả sau 5 phiên liên tiếp nện sàn của TTF.

Đây đã là tuần thứ 2 liên tiếp TTF phải chấp nhận có mặt trong nhóm mất giá. Tuần trước, mã này cũng ở vị trí thứ 2 trong top giảm giá trên sàn. Nếu tính 2 tuần gần đây, TTF đã có liên tiếp 9 phiên giảm kịch biên độ.

Liên quan tới TTF, mới đây, công ty này đã thông báo về việc thay đổi người đại điện theo pháp luật. Cụ thể, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ không còn là người đại diện theo pháp luật của TTF. Người đại diện theo pháp luật mới của TTF là bà Vũ Tuyết Hằng.

Hồi cuối tháng Sáu, TTF đã có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh xin gia hạn công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2016.

Theo lãnh đạo TTF, đơn vị có 15 công ty con và 3 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến sản phẩm từ gỗ. Việc tổng hợp thông tin và lập báo cáo tài chính riêng, hợp nhất không đáp ứng được yêu cầu trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý đối với báo cáo tài chính quý và 45 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính đối với báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét.

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần ảnh 3

Bên sàn HNX, mã CAN của Công ty cổ phần Đồ hộp Hạ Long là mã tăng giá mạnh nhất sàn tuần này.

Có 2 phiên đi ngang và 3 phiên tăng giá trong tuần tuy nhiên CAN đã kịp có thêm tổng cộng 6.800 đồng/cổ phiếu và giữ tỷ lệ tăng giá gần 29%.

Thực tế, tỷ lệ tăng giá này là thấp so với những tuần gần đây. Trước đó, trong liên tiếp 3, 4 tuần trước đó, tỷ lệ tăng giá của mã giữ vị trí quán quân thường lên tới 40-50% hay thậm chí cao hơn.

Với CAN, báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm nay của công ty cho thấy mức lãi hơn 1 tỷ đồng, giảm so với quý 1 năm ngoái.

Doanh thu thuần của CAN trong quý đầu năm nay chỉ ở mức 82,2 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 99 tỷ đồng của quý 1/2015. Ngoài ra, lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng giảm từ mức 21,3 tỷ đồng quý 1 năm ngoái xuống gần 20,4 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế trong quý 1 qua tính toán ở mức hơn 1 tỷ đồng. Trong khi ấy, cùng kỳ năm ngoái, con số này lên tới gần 1,5 tỷ đồng.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên của CAN đã thông qua mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh daonh năm 2016 với doanh thu 440 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 11,5 tỷ đồng.

Năm 2015, CAN cũng thống nhất chia cổ tức cho cổ đông 15% bằng tiền mặt.

Ở nhóm mất giá, mã BED của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng mất giá nhiều nhất sàn.

BED vừa có báo cáo hoạt động kinh doanh quý 2 năm nay với mức lợi nhuận sau thuế tăng tới hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, mức lãi của BED quý 2 đạt hơn 1,7 tỷ đồng, tăng hơn 600 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đại diện BED, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty trong quý 2 năm nay tăng gần 1,3 tỷ đồng so với quý 2 năm ngoái nhờ hoạt động bán sách giáo dục, văn phòng phẩm, dịch vụ cho thuê văn phòng.

Trong khi ấy, chi phí bán hàng và quản lý của quý 2 năm nay giảm 12,72% so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần giúp lợi nhuận gộp quý 2 năm nay tăng cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục