Năm nguy cơ đối với kinh tế thế giới vào năm 2011

Tình trạng thất nghiệp và khủng hoảng nợ công là hai trong số những yếu tố đáng quan ngại nhất đối với kinh tế thế giới năm 2011.
Mạng tin Thời sự chính trị trực tuyến vừa dự báo 5 yếu tố đáng quan ngại nhất của năm 2011 đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế thế giới.

Theo nguồn tin mạng trên, nguy cơ đầu tiên là tình trạng thất nghiệp tăng mạnh và lãi suất giảm đến mức tối thiểu. Theo giới phân tích kinh tế, tình hình này đe dọa trực tiếp đến sự phục hồi của các nước phát triển nói riêng và thế giới nói chung, đẩy nền kinh tế thế giới vào thời kỳ suy thoái lâu dài với tình trạng giảm phát rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, châu Á sẽ khó tránh khỏi tình trạng tăng trưởng kinh tế "bong bóng" và tỷ lệ lạm phát cao.

Tốc độ tăng trưởng quá nóng từ 8-10% ở châu Á có nguy cơ tạo ra các bong bóng, các nguồn vốn đầu cơ được huy động ào ạt sẽ gây rủi ro không chỉ đối với giá tài sản mà còn cả giá tiêu thụ. Chính vì vậy, chính phủ các nước này, đặc biệt là Trung Quốc, đang cố gắng hành động bằng cách hạn chế luồng vốn và tăng lãi suất.

"Điểm đen" nữa là khu vực đồng euro phải tiếp tục gồng mình trả nợ. Một hoặc nhiều quốc gia trong khu vực này đang thiếu tiền và gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng. Nhiều khả năng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể phải cầu cứu Quỹ ổn định tài chính châu Âu. Trong trường hợp xấu nhất, Italy và Bỉ có thể lâm vào hoàn cảnh tương tự. Hiện Rome và Brussels đang gánh một khoản nợ khổng lồ, chiếm tới 100% và 118% GDP.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng châu Âu có nguy cơ lâm vào bất ổn. Các khoản nợ chính phủ của các nước châu Âu đang làm suy yếu niềm tin trong các hoạt động của bộ máy tài chính. Ước tính các ngân hàng của Tây Ban Nha sẽ cần 100 tỷ euro, tức 10% GDP quốc gia.

Nguy cơ cuối cùng mà mạng tin này nhận định là một thế giới không cân bằng với nhiều căng thẳng xảy ra. Ở giai đoạn khốc liệt của cuộc khủng hoảng, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã cùng nhau phản ứng bằng cách thiết lập các kế hoạch chấn hưng kinh tế.

Tại thời điểm phục hồi, mỗi quốc gia chỉ biết bảo vệ riêng mình mà không quan tâm đến những quốc gia khác. Kết quả là tỷ giá hối đoái bị chao đảo. Trong khi Mỹ bị cáo buộc là phá giá đồng USD thì Trung Quốc lại cố duy trì đồng Nhân dân tệ ở mức thấp giả tạo. Căng thẳng Mỹ-Trung sẽ còn leo thang, có thể dẫn đến chiến tranh tiền tệ và thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục