Năm nguyên nhân dẫn đến thất bại của đội tuyển Tây Ban Nha

Có rất nhiều nguyên nhân, lý do được đưa ra để phân tích nguyên nhân biến tuyển Tây Ban Nha trở thành cựu vô địch World Cup ngay từ vòng bảng.
Năm nguyên nhân dẫn đến thất bại của đội tuyển Tây Ban Nha ảnh 1Nguyên nhân thất bại của tuyển Tây Ban Nha tại World Cup 2014 sẽ còn được phân tích, mổ xẻ nhiều. (Nguồn: FIFA/Getty Images)

Tây Ban Nha đã trở thành nhà đương kim vô địch thế giới thứ năm trong lịch sử phải nói lời chia tay World Cup ngay từ vòng đấu bảng, sau trận thua nhục nhã 0-2 trước đội tuyển Chile sáng 19/6.

Người ta những tưởng rằng cơn địa chấn thua 1-5 trước Lốc Da cam Hà Lan sẽ đánh thức toàn bộ ban huấn luyện và các cầu thủ Tây Ban Nha khỏi giấc ngủ quên trên chiến thắng, nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Dưới đây là 5 lý do khiến "Nhà vua" băng hà tại Brazil:

1. Trung thành với những gương mặt cũ

Sau trận thua 1-5 trước Hà Lan, huấn luyện viên Vicente del Bosque buộc phải thay đổi chiến lược khi để cả Xavi Hernandez và Gerard Pique ngồi trên băng ghế dự bị. Thay vào đó, Tây Ban Nha ra sân với sự góp mặt của Pedro Rodriguez và Javi Martinez. Tuy nhiên, đáng lẽ ra ông Del Bosque cần phải "thay máu" đội hình sớm hơn. Một cầu thủ tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết như Koke lại được đưa vào sân quá muộn.

Việc quá tin tưởng vào thủ môn Iker Casillas dường như cũng là một sai lầm của "Ngài Râu kẽm." Đội trưởng của Tây Ban Nha từng góp mặt trong một đội hình huyền thoại, nhưng thời gian qua, anh đã không còn duy trì được phong độ và đẳng cấp cao, một minh chứng của điều này là việc Casillas không còn được trọng dụng ở câu lạc bộ Real Madrid. Tây Ban Nha luôn có những thủ môn tài năng khác sẵn sàng chờ được ra sân, như David de Gea chẳng hạn, nhưng ông Del Bosque đã không lựa chọn.


2. Hàng phòng ngự với nhiều lỗ hổng

Iker Casillas là cầu thủ bị người hâm mộ chỉ trích nhiều nhất trong màn trình diễn tồi tệ của tuyển Tây Ban Nha tại World Cup năm nay, nhưng đội trưởng Tây Ban Nha cũng có quyền chỉ trích hàng phòng ngự thi đấu phía trên anh. Có thể nói thành công của Tây Ban Nha tại World Cup năm 2010 và Euro năm 2012 trước hết nhờ vào sự đóng góp quan trọng của hàng phòng ngự vững chắc.

Carles Puyol từng là niềm cảm hứng của Tây Ban Nha ở hàng phòng ngự giờ đây đã không còn xuất hiện. Gerard Pique và Sergio Ramos từng là cặp trung vệ thi đấu ăn ý trong quá khứ, nhưng không phải là ở thời điểm này. Gương mặt mới Javi Martinez chắc chắn không thể đáp ứng được kỳ vọng khi thi đấu quá mờ nhạt trong trận đấu sống còn với Chile.

Đối đầu với Hà Lan và Chile, Tây Ban Nha đã phải thi đấu với những đối thủ có lối chơi biến hóa khó lường. Kết quả không những hàng tiền đạo bế tắc mà hàng thủ cũng để lọt lưới đến 7 bàn thắng chỉ sau 2 trận đấu.

3. Sự lựa chọn Diego Costa trên hàng công

Kể từ khi huấn luyện viên Del Bosque thuyết phục được Diego Costa khoác áo tuyển Tây Ban Nha thay vì áo Brazil, sự xuất hiện của Costa gần như là một điều chắc chắn tại World Cup 2014.

Tuy vậy, Diego Costa - dù đã có một mùa giải tỏa sáng cùng câu lạc bộ Atletico Madrid - lại cho thấy anh chưa thích ứng được với lối chơi chung. Costa cần được cung cấp bóng vào khoảng trống để tạo nên sự khác biệt, thế nhưng trong trận đấu với Chile, anh tỏ ra khá đơn độc trước 3 cầu thủ trung vệ đối phương. Diego Costa cũng tỏ ra không thoải mái khi các cổ động viên Brazil chào đón anh bằng những tiếng la ó ở cả Salvador và Rio de Janeiro.

4. Thất bại trong việc thích nghi

Nhìn chung, Tây Ban Nha đã quá tự tin vào một đội hình từng đưa đội tuyển đạt đến đỉnh cao trong những giải đấu lớn trước đây. Lối chơi của "La Roja" (biệt danh của Tây Ban Nha) được xây dựng xung quanh câu lạc bộ Barcelona dưới triều đại thành công của huấn luyện viên Pep Guardiola.

Tuy nhiên, trận thua của câu lạc bộ Barcelona trước câu lạc bộ Real Madrid tại Champions League mùa giải trước đã cho thấy lối chơi tiki-taka đã phần nào không còn đem lại hiệu quả. Một lần nữa tại World Cup, tốc độ và lối chơi pressing của Chile đã khiến Tây Ban Nha thường xuyên có những đường chuyền hỏng và không còn nắm phần lớn thời gian kiểm soát bóng như trước.

5. Chơi bóng tại Nam Mỹ

Mỗi khi World Cup được tổ chức ở châu Mỹ, đó luôn là thách thức mà các đội tuyển đến từ châu Âu phải vượt qua nếu muốn giành chức vô địch. Có lẽ, "cơn hấp hối" của Tây Ban Nha đã bắt đầu ngay sau trận thua 0-3 trước Brazil tại trận chung kết Confederations Cup năm 2013.

Các đội bóng Nam Mỹ luôn thi đấu nỗ lực mỗi khi World Cup được tổ chức tại nơi đây, cùng với sự cổ vũ đông đảo đến từ các cổ động viên trong khu vực. Tây Ban Nha sau khi để thua trước Hà Lan cần một chiến thắng trong cuộc đối đầu với Chile. Tuy nhiên, số đông các cổ động viên đều cổ vũ cho Chile cho thấy đây giống như một trận đấu mà Chile được thi đấu trên sân nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục