Nam Phi chuẩn bị tâm lý nếu Nelson Mandela "ra đi"

Nelson Mandela, người hùng chống apartheid ở Nam Phi, đã trải qua đêm thứ ba ở bệnh viên khi người dân cả nước cầu nguyện cho ông.
Nelson Mandela, người hùng chống chủ nghĩa apartheid ở Nam Phi, đã trải qua đêm thứ ba ở bệnh viên khi người dân cả nước cầu nguyện cho ông, còn gia đình ông được kêu gọi “hãy để ông ra đi”. Chính quyền Nam Phi không có cập nhật gì về tình trạng sức khỏe của biểu tượng 94 tuổi, người đã nhập viện hôm thứ Bảy và “trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định” do một chứng bệnh về phổi. “Tôi đã gặp bố và ông ấy khỏe mạnh. Ông ấy là một người luôn đấu tranh,” con gái ông Mandela, Zindzi nói với báo Guardian ngày Chủ nhật. Nhưng người dân Nam Phi đang rất lo lắng cho vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử đất nước sau hàng loạt những sự cố sức khỏe gần đây của ông Mandela. Báo Sunday Times giật tít ở trang bìa: “Đã tới lúc để ông ấy ra đi”. Đây là lần thứ tư ông Mandela phải nhập viện từ tháng 12. Lãnh tụ từng giành giải Nobel này sẽ bước sang tuổi 95 vào tháng tới. Ông mời xuất viện hồi tháng 4 sau khi được điều trị chứng viêm phổi. Dù nhà chức trách không cho biết tên bệnh viện đang điều trị cho ông Mandela, các thành viên gia đình ông đã xuất hiện tại một bệnh viện tim mạch ở Pretoria nơi đám đông phóng viên đang tụ tập. “Chúng tôi mong Madiba nhanh chóng hồi phục, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng là gia đình phải sẵn sàng tâm lý,” bạn thân lâu năm của Mandela, Andrew Mlangeni, 87 tuổi, nói với báo Sunday Times, dùng tên thân mật ở bộ tộc của ông Mandela. “Một khi gia đình đã sẵn sàng, người dân Nam Phi sẽ nối bước. Chúng ta sẽ cùng nói cảm ơn Chúa vì đã cho chúng ta người đàn ông này, và chúng ta sẽ để ông về lại với ngài.” Mlangeni cũng là một cựu tù nhân của chế độ apartheid, bị tuyên án chung thân và bị giam cùng Mandela từ năm 1964.
Nam Phi chuẩn bị tâm lý nếu Nelson Mandela "ra đi" ảnh 1
Người dân Nam Phi tụ tập tại một nhà thờ ở Soweto cầu nguyện cho Mandela (Nguồn: AFP)
Mandela trở thành biểu tượng toàn cầu sau 27 năm ngồi tù dưới chế độ phân biệt chủng tộc của người da trắng ở Nam Phi và lần nhập viện gần nhất của ông đã thu hút sự chú ý toàn cầu. Ông đã không xuất hiện trước công chúng kể từ trận chung kết World Cup ở Nam Phi vào tháng 7/2010. Những bài thánh ca được hát vang ở nhà thờ Regina Mundi tại Soweto, một địa điểm biểu tượng của cuộc chiến chống chế độ apartheid, khi giáo dân tập trung cầu nguyện cho người anh hùng của họ. “Tata đã 94 tuổi, ở tuổi đó thì chờ đợi gì đây?” Sannie Shezi, 36 tuổi, nói ở nhà thờ, dùng tên thân mật của ông Mandela, có nghĩa là “người cha”. “Ông ấy đã sống một cuộc đời phi thường, đấu tranh vì chúng tôi. Tất cả những gì chúng tôi có thể nói là cầu Chúa giúp ông ấy. Nếu mọi chuyện đến thì nó sẽ đến, chúng tôi vẫn yêu mến ông ấy”. Bà vợ thứ ba của ông Mandela, Graca Machel, đã có mặt ở bệnh viện sau khi hủy một chuyến đi London dự hội thảo. Trong khi những người dùng Twitter bày tỏ sự đau buồn và mong ông sớm hồi phục, cũng có những người muốn sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất. “Madiba đã phụng sự tất cả chúng ta, một nhà lãnh đạo vĩ đại, nhưng đã đến lúc để ông ấy ra đi. Chúng ta không thể giữ ông ấy mãi”, một người dùng Twitter viết. Tuy nhiên, người phát ngôn của phủ tổng thống Nam Phi Mac Maharaj nói với AFP hôm thứ Bảy rằng ông Mandela đã tự thở được và không cần máy thở: “Sự thật rất đơn giản. Madiba là một chiến binh và chừng nào ông còn chiến đấu, ông sẽ không sao”. Ngôi sao cricket Nam Phi AB de Villiers, Thủ tướng Anh David Cameron, Nhà Trắng và nhiều nhân vật nổi tiếng khác đã gửi lời chúc phúc tới ông Mandela. “Ông ấy là một huyền thoại ở đất nước chúng ta”, De Villiers nói trong một chuyến du đấu Anh, đồng thời bày tỏ hy vọng Mandela sẽ “có một sinh nhật 100 tuổi thật hoành tráng”. Lúc đầu, Mandela được điều trị ở bệnh viện ở gần nhà ông tại Johannesburg, rồi sau đó khi bệnh trở nặng, ông được đưa tới Pretoria vào lúc 1g30 rạng sáng ngày thứ Bảy (23g30 giờ GMT ngày thứ Sáu). Bác sĩ chuyên khoa phổi người Nam Phi Guy Richards nói với AFP rằng viêm phổi hiếm khi gây tử vong trừ khi người bệnh có tiền sử bệnh phổi nặng. “Chẳng hạn như nếu bạn từng bị lao phổi, thì chứng viêm phổi có thể lây lan nhanh và gây ra tử vong”, ông nói.
Nam Phi chuẩn bị tâm lý nếu Nelson Mandela "ra đi" ảnh 2
Báo chí tụ tập bên ngoài bệnh viện được cho là nơi Mandela đang điều trị (Nguồn: AFP)
Mandela từng bị chẩn đoán bị lao phổi giai đoạn đầu vào năm 1988 và đã được điều trị cả bệnh phổi cũng như bệnh dạ dày. Vào tháng 12/2012, ông phải nhập viện 18 ngày, thời gian thiếu tự do nhất của ông kể từ ngày ra tù. Tháng Ba, ông lại được đưa đi kiểm tra tổng quát và 10 ngày sau thì ra viện. Những đoạn băng quay được vào tháng Tư chiếu cảnh một Mandela buồn bã, yếu ớt và xanh xao tiếp các lãnh đạo đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) ở nhà ông đã gây nhiều tranh cãi, khi xuất hiện cáo buộc nói đảng cầm quyền đang lợi dụng hình ảnh ông. ANC, sắp bước vào cuộc bầu cử năm 2014, đã mất rất nhiều uy tín sau khi ông Mandela ra đi bởi những nạn tham nhũng lan tràn, tình trạng nghèo đói và dịch vụ công yếu kém. Sau một nhiệm kỳ làm tổng thống, Mandela chuyển các nỗ lực của ông sang phòng chống bệnh AIDS và giải quyết xung đột, trước khi rút lui vào hậu trường một thập kỷ trước ở tuổi 85./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục