Nam Phi ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh tả sau hơn 1 thập kỷ

Bộ trưởng Y tế Nam Phi cho biết ca tử vong do bệnh tả là một bệnh nhân nam 24 tuổi, sống tại thị trấn Benoni ở ngoại ô thành phố Johannesburg, trước đó không đi du lịch trong hoặc ngoài nước.
Nam Phi ghi nhận ca tử vong đầu tiên do bệnh tả sau hơn 1 thập kỷ ảnh 1Đợt dịch tả lần này ở nhiều nước châu Phi được báo cáo là lây lan từ Malawi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pretoria ngày 23/2 dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến bệnh tả sau hơn một thập kỷ, trong khi các trường hợp được xác nhận mắc bệnh đang tiếp tục gia tăng.

Theo ông Phaahla, ca tử vong này là một bệnh nhân nam 24 tuổi, sống tại thị trấn Benoni ở ngoại ô thành phố Johannesburg và trước đó không đi du lịch trong hoặc ngoài nước. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Tambo Memorial trong tình trạng tiêu chảy nặng và qua đời vài ngày sau đó.

Đây là trường hợp thứ năm được xác nhận mắc bệnh tả tại Nam Phi trong năm nay. Một trong những người có tiếp xúc với bệnh nhân này vẫn đang nằm viện. Thi thể của bệnh nhân trên sẽ được chuyển đến tỉnh KwaZulu-Natal để chôn cất, tuân thủ các quy định phòng ngừa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ca bệnh tả đầu tiên trong năm nay tại Nam Phi được phát hiện tháng trước, sau khi hai bệnh nhân là chị em từ Malawi - quốc gia đang phải ứng phó với đợt bùng phát dịch tả nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ - nhập cảnh nước này. Chồng của một trong hai phụ nữ này sau đó cũng được chẩn đoán mắc bệnh.

Ca bệnh thứ tư là một người đàn ông 28 tuổi sống ở thị trấn Alexandra, thành phố Johannesburg và người này trước đó cũng không đi du lịch trong hoặc ngoài nước. Bệnh nhân này đã đến trung tâm cấp cứu của Bệnh viện Edenvale sau bốn ngày bị tiêu chảy, nôn mửa và suy nhược cơ thể.

Bộ Y tế Nam Phi đã cử các đội ứng phó dịch bệnh tiến hành điều tra các ca bệnh trên và rà soát nơi ở cũng như nơi làm việc của các bệnh nhân. Theo bộ này, bệnh nhân có thể bị nhiễm vi khuẩn tả trực tiếp qua uống nước bị ô nhiễm hoặc gián tiếp qua ăn thực phẩm bị ô nhiễm.

[Hơn 1.200 ca tử vong trong đợt bùng dịch tả nghiêm trọng nhất ở Malawi]

Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy mất nước, nôn mửa và suy nhược cơ thể. Để ngăn ngừa khả năng lây nhiễm bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh và đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện bệnh.

Lần gần đây nhất Nam Phi hứng chịu đợt bùng phát dịch tả từ nguồn nước là từ năm 2008 đến 2009, với khoảng 12.000 trường hợp được ghi nhận sau một đợt bùng phát dịch bệnh lớn ở nước láng giềng Zimbabwe. Đợt dịch lần này được báo cáo là lây lan từ Malawi.

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, kể từ tháng 3/2022 đến nay đã có ít nhất 1.400 người tử vong trong số gần 45.000 trường hợp mắc bệnh tả tại Malawi. Các quốc gia khác ở miền Nam châu Phi, trong đó có Mozambique, Zambia và Zimbabwe, gần đây cũng ghi nhận các trường hợp mắc bệnh.

Mozambique ứng phó với bệnh tả và bại liệt

Truyền thông Mozambique ngày 23/2 đưa tin tại nước này đã có 37 người tử vong do bệnh tả kể từ khi bắt đầu đợt bùng phát dịch bệnh hiện tại hồi tháng 12/2022. Đến nay, số ca mắc bệnh đã lên đến 5.260 người, chủ yếu ở tỉnh miền Bắc Niassa. Các trường hợp mắc bệnh khác cũng được báo cáo ở các tỉnh miền trung Tete, Zambezia và Sofala và tỉnh miền Nam Gaza.

Phát biểu tại một cuộc họp ngày 22/2 ở thủ đô Maputo do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chủ trì đánh giá tình hình bệnh tả và bại liệt, Bộ trưởng Y tế Mozambique Armindo Tiago nêu rõ: "Việc giám sát đang được tiến hành ở tất cả các quận của đất nước để đảm bảo phát hiện sớm bệnh tả và thực hiện các biện pháp kiểm soát.”

Bộ trưởng Tiago cho biết thêm để phá vỡ chuỗi lây nhiễm, kể từ ngày 27/2 tới, một chiến dịch tiêm phòng bệnh tả sẽ được tổ chức tại bốn tỉnh nơi tình hình được coi là đáng lo ngại nhất. Chiến dịch này sẽ kéo dài 5 ngày và sẽ bao phủ toàn bộ dân số từ 1 tuổi trở lên.

Đối với bệnh bại liệt, ông Tiago cho hay trong năm qua, trên cả nước đã có 932 trường hợp mắc bệnh, so với 473 trường hợp ghi nhận năm 2021. Cũng theo ông Tiago, trong năm 2022, Mozambique đã thực hiện sáu đợt tiêm vaccine phòng bại liệt và đã lên kế hoạch tiến hành ba đợt tiêm nữa cho năm 2023 trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục