Nam Thái Bình Dương sẽ đi đầu về hàng không

Giám đốc phụ trách khách hàng của Airbus cho biết các hãng hàng không ở Nam Thái Bình Dương sẽ bổ sung thêm 630 máy bay mới, trị giá khoảng 87 tỷ USD (96,3 tỷ AUD), trong 20 năm tới.

Hoạt động vận tải hàng không trong khu vực Nam Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 5%/năm, mức tăng nhanh nhất trong số các thị trường vận tải hàng không của các nước phát triển và cao hơn mức trung bình 4,7% của thế giới.

Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus (Mỹ) dự đoán Australia và New Zealand sẽ đi nhanh hơn các nước phát triển khác trong lĩnh vực tăng trưởng vận tải hành khách bằng đường không.

Giám đốc phụ trách khách hàng của Airbus, John Leahy, cho biết các hãng hàng không ở khu vực Nam Thái Bình Dương sẽ bổ sung thêm 630 máy bay mới, trị giá khoảng 87 tỷ USD (96,3 tỷ AUD), trong 20 năm tới.

Hoạt động vận tải hàng không trong khu vực Nam Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 5%/năm, mức tăng nhanh nhất trong số các thị trường vận tải hàng không của các nước phát triển và cao hơn mức trung bình 4,7% của thế giới.

Ông Leahy hy vọng nhu cầu vận tải tăng này sẽ giúp nâng thị phần của Airbus tại các hãng hàng không của Australia và New Zealand từ mức 24% hiện nay lên gần 50%.

Trong báo cáo dự đoán thị trường toàn cầu mới nhất, Airbus cho rằng việc Australia có vị trí tương đối gần các nền kinh tế đang nổi ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ là một lợi thế để nước này tận dụng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang được cải thiện và các điều kiện kinh doanh ngày càng tích cực hơn.

Theo đánh giá, hoạt động đi lại trên thế giới gắn bó rất mật thiết với tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, việc phát triển các hãng hàng không giá rẻ tại châu Á hiện chiếm 12% thị trường nội địa trong khu vực này cũng sẽ giúp kích thích nhu cầu đi lại bằng đường không.

Dự kiến, năm 2028, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm thị phần vận tải hành khách bằng đường không cao nhất với 33%. Thị trường châu Âu sẽ tiếp tục giữ vị trí thứ hai với 26%, trong khi thị trường Bắc Mỹ mất vị trí dẫn đầu và rơi xuống thứ ba với 20%.

Xem xét bức tranh vận tải hàng không toàn cầu, Airbus cho biết các hãng hàng không dự kiến sẽ mua 24.951 máy bay mới trong 20 năm tới để bổ sung cho các máy bay hiện có và thay thế các máy bay cũ. Trong đó sẽ có 1729 máy bay "rất lớn" như A380 khi hoạt động vận tải tầm xa gia tăng và xuất hiện thêm nhiều thành phố lớn.

Ông Leahy cho biết số thành phố lớn, mà Airbus xác định sẽ là điểm đến của hơn 10.000 hành khách đi đường dài mỗi ngày, dự kiến sẽ tăng từ 37 hiện nay lên 82 trong 20 năm tới. Trong số các thành phố của Australia, Melbourne và Sydney được coi là đại đô thị, trong khi Brisbane được đánh giá cũng sẽ trở thành một đại đô thị vào thời điểm nào đó trong 20 năm tới.

Hiện trên thế giới có 3 hãng hàng không là Qantas Airways (Australia), Singapore Airlines (Singapore) và Emirates Airlines (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất) đã đưa máy bay A380 vào sử dụng, trong khi hãng hàng không Air France (Pháp) sẽ nhanh chóng vận hành chiếc máy bay khổng lồ này sau khi tiếp nhận chiếc A380 đầu tiên mới đây.

Khu vực Nam Thái Bình Dương được dự kiến sẽ đặt mua 60 máy bay siêu lớn này.

Căn cứ vào các điều kiện hiện tại, Airbus dự đoán sự sụt giảm của ngành hàng không thế giới chạm đáy trong năm nay và dự kiến sẽ tăng trưởng trong năm 2010 và 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục