Năm thứ 13 liên tiếp, cầu thủ Việt thất bại trước ngoại binh

Dù đã ghi tới 16 bàn ở V-League 2015, phá kỷ lục ghi bàn của một cầu thủ nội trong kỷ nguyên V-League, Lê Văn Thắng vẫn ngậm ngùi về nhì sau Patiyo Tambwe (18 bàn).
Năm thứ 13 liên tiếp, cầu thủ Việt thất bại trước ngoại binh ảnh 1Văn Thắng vẫn thất bại trong sứ mệnh lịch sử của cầu thủ Việt. (Ảnh: VFF)

Dù đã ghi tới 16 bàn ở V-League 2015, phá kỷ lục ghi bàn của một cầu thủ nội trong kỷ nguyên V-League, Lê Văn Thắng vẫn ngậm ngùi về nhì sau Patiyo Tambwe (18 bàn). Đây là năm thứ 13 liên tiếp, ngoại binh chiến thắng trong cuộc đua Vua phá lưới V-League.

Kể từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp ở mùa giải 2000-01, đã 15 mùa bóng đã trôi qua. Chỉ hai lần, các cầu thủ Việt đánh bại được ngoại binh trong cuộc chiến giành cho chân sút xuất sắc nhất. Đó là chiến công của Đặng Đạo (Khánh Hòa - 11 bàn) năm 2001 và Hồ Văn Lợi (Cảng Sài Gòn - 9 bàn) năm 2002.

Nhưng đó cũng là lần cuối cùng một người Việt được vinh danh trong cuộc đua này. Emeka Achilefu (Nam Định) mở ra thời đại của ngoại binh khi giành Vua phá lưới năm 2003 với 11 bàn.

Từ đó trở đi, ngoại binh chiếm ưu thế tuyệt đối trong cuộc đua. Số lượng Vua phá lưới và kỷ lục bàn thắng sau mỗi mùa lại tăng lên so với trước đó. Amaobi Uzowuru (Nam Định) có 15 bàn mùa 2004, Kesley Alves (Bình Dương) ghi 21 bàn mùa 2005, Almeida (SHB Đà Nẵng) ghi 23 bàn mùa 2008.

Cặp song sát Almeida và Gaston Merlo cũng trở thành những tay săn bàn biểu tượng của giải đấu khi giành tổng cộng năm danh hiệu Vua phá lưới trong 15 năm lịch sử.

Trên lý thuyết, người Việt cũng giành hai danh hiệu Vua phá lưới vào các năm 2013 và 2014 khi Hoàng Vũ Samson là người chiến thắng. Nhưng thật khó để chấp nhận chiến công của một cầu thủ nhập tịch là chiến công của cầu thủ Việt.

Năm thứ 13 liên tiếp, cầu thủ Việt thất bại trước ngoại binh ảnh 2Lê Công Vinh (áo đỏ) đã hai lần tiến gần tới danh hiệu Vua phá lưới. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Trong suốt 13 năm ấy, đã ba lần cầu thủ Việt có cơ hội lật đổ sự thống trị của ngoại binh. Công Vinh là nhân vật chính trong hai cuộc tiến công đầu tiên vào thành lũy này. V-League 2009, anh lập công 14 lần. Thành tích ấy chỉ kém Vua phá lưới Gaston Merlo đúng 1 bàn. Đó cũng là thống kê bàn thắng tốt nhất của một chân sút nội trong kỷ nguyên V-League trước khi Văn Thắng xuất hiện.

Tới năm 2013, Công Vinh thậm chí còn chơi hay hơn. Anh ghi 13 bàn chỉ sau lượt đi, tiến thẳng tới danh hiệu Vua phá lưới và bỏ xa mọi đối thủ - kể cả ngoại binh. Nhưng bản hợp đồng tới Leixoes đã cướp đi cơ hội trở chiến thắng của Công Vinh. Hoàng Vũ Samson và Gonzalo là những người chiến thắng với chỉ 14 bàn - hơn Công Vinh đúng 1 bàn dù được chơi trọn cả mùa bóng.

V-League 2015, Hoàng Đình Tùng và Lê Văn Thắng tiếp tục thắp lên hy vọng cho cầu thủ nội với cuộc rượt đuổi ngoạn mục cùng Patiyo Tambwe tới những vòng cuối cùng. Nhưng sự sa sút của Thanh Hóa vào cuối mùa và vị thế yếu của XSKT Cần Thơ đã không thể giúp họ bứt lên. Văn Thắng kết thúc mùa bóng với 16 bàn, kém Patiyo 2 bàn. Dù vậy, anh đã phá kỷ lục ghi bàn của nội binh ở V-League trong 15 năm lịch sử.

Năm thứ 13 liên tiếp, cầu thủ Việt thất bại trước ngoại binh ảnh 3Thua ngoại binh ở câu lạc bộ, tuyển thủ quốc gia Hải Anh (áo trắng, bên phải) cũng dần đánh mất phong độ ghi bàn. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Như một tất yếu, sự thua kém của các chân sút nội so với cầu thủ ngoại khiến xu hướng sử dụng tiền đạo ngoại lên ngôi ở các đội bóng. Công Vinh, Văn Quyết, Mạc Hồng Quân, Anh Đức - những chân sút tốt nhất của bóng đá Việt Nam đều phải đá dạt biên tại câu lạc bộ của mình. Cầu thủ nội có ít cơ hội thể hiện mình nên tuyển quốc gia cũng gặp khó khăn. Đi tìm một tiền đạo cắm đẳng cấp cho đội tuyển vẫn là bài toán khó mà bóng đá Việt Nam chưa thể giải được.

Nhưng những tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện. Ba mùa bóng trở lại đây, tỷ lệ bàn thắng của nội binh đang tăng lên. Với hơn 50 % bàn thắng ở V-League 2015 được ghi bởi cầu thủ nội, những trường hợp như Đình Tùng, Văn Thắng, Văn Quyết sẽ còn tiếp tục xuất hiện.

Đạo luật hạn chế ngoại binh cũng sẽ được thắt chặt hơn ở V-League 2016. Cơ hội của cầu thủ Việt sẽ lại đến. Và lịch sử 13 năm thống trị của ngoại binh sẽ sớm kết thúc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục