Năm yếu tố chi phối sự biến động của giá vàng thế giới

Các chuyên gia về kim loại quý tại nước Anh đánh giá hiện có năm yếu tố chi phối sự biến động của giá vàng trong thời gian còn lại của năm.
Năm yếu tố chi phối sự biến động của giá vàng thế giới ảnh 1Một cửa hàng kim hoàn ở Singapore. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới đầu tư và giao dịch vàng đang đứng trước lựa chọn là bán hay tiếp tục đặt cược vào kim loại quý này. Liệu giá vàng đã chạm đỉnh sau khi tăng khoảng 20% từ đầu năm tới nay?

Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh vàng trong tuần vừa qua đã trải qua tuần giao dịch yếu kém nhất kể từ tháng 6/2013 với mức giảm 5%, trước triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay và đồng USD đang mạnh lên.

Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Goldman Sachs nhìn nhận giá vàng hạ là cơ hội tốt để mua vàng. Những bất ổn về triển vọng kinh tế vào thời điểm hiện nay cũng là cơ sở để một số nhà đầu tư sẵn sàng mua kim loại quý lúc giá hạ. Tuy nhiên, không có ít nhà đầu tư tỏ ra thận trọng.

Các chuyên gia về kim loại quý tại nước Anh đánh giá hiện có năm yếu tố chi phối sự biến động của giá vàng trong thời gian còn lại của năm.

Yếu tố đầu tiên là quyết định lãi suất của Fed, Ngân hàng trung ương Mỹ. Việc Fed chưa vội thắt chặt lãi suất sau lần tăng đầu tiên trong bảy năm hồi tháng 12/2015 đã giúp hỗ trợ đà tăng của giá vàng từ đầu tới nay. Tuy vậy, thị trường vàng luôn trong trạng thái “cảnh giác” trước các động thái của Fed. Nhưng nhiều nhà đầu tư tin tưởng Fed sẽ không tăng mạnh lãi suất trong năm tới, trong bối cảnh triển vọng kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc còn bấp bênh, và nước Mỹ sẽ dưới quyền điều hành của Tổng thống mới.

Một yếu tố vĩ mô nữa cũng chi phối biến động trên thị trường vàng đó là lạm phát. Theo nhà quản lý quỹ James Luke thuộc Schroders, nếu lạm phát tăng nhanh hơn tốc độ nâng lãi suất của ngân hàng trung ương, giá vàng vẫn sẽ đi lên.

Hoạt động mua bán của các quỹ trao đổi vàng (ETF) là yếu tố thứ hai và là yếu tố quan trọng đối với giá vàng. Theo BlackRock, khoảng 27 tỷ USD đã chảy vào các quỹ trao đổi vàng, qua đó góp phần hỗ trợ kịp thời giá vàng. Theo đánh giá của Goldman Sachs, đà xuống giá của vàng sẽ ở mức hạn chế, do những yếu tố giúp đẩy nhu cầu mua vàng giao ngay và vàng thỏi của ETF tăng cao từ đầu năm 2016 sẽ tiếp tục được duy trì.

Nhu cầu vàng của Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - là yếu tố thứ ba chi phối triển vọng của giá kim loại quý này. Trung Quốc hiện giữ vai trò quan trọng trong giao dịch vàng thông qua hai sở giao dịch là Shanghai Gold Exchange và Shanghai Futures Exchange. Tuy nhiên, nhu cầu vàng - đồ trang sức và vàng thỏi - từ đầu năm tới nay vẫn ì ạch.

Giới phân tích đang cân nhắc xem liệu sự rớt giá gần đây của vàng có thúc đẩy các hoạt động mua vàng tại châu Á, nhất là tại Ấn Độ vào thời điểm mùa cưới hỏi đang đến gần. Trong khi đó, bong bóng bất động sản phình to tại Trung Quốc cùng với sự yếu đi của đồng NDT có thể sẽ thúc đẩy hoạt động mua vàng.

Thị trường vàng cũng theo sát những biến động trên chính trường Mỹ. Đây là yếu tố thứ tư tác động đến biến động của kim loại quý này. Giá vàng sẽ được lợi nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng (vì kinh tế Mỹ và một số nước sẽ bất ổn).

Yếu tố thứ năm là Brexit, chỉ việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Liệu những mối quan ngại đến Brexit có giúp đẩy vàng tăng giá? Kim loại quý này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2014 sau khi cử tri Anh quyết định rời EU. Tuy nhiên, đợt bán tháo vàng trên thị trường trong tuần qua cho thấy nỗi lo về chính sách tiền tệ thậm chí lớn hơn mối quan ngại liên quan đến Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục