Nạn buôn lậu ở vùng biên tỉnh Quảng Ninh lại "nóng"

Cứ gần Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu trên các tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh ngày càng "nóng" với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Như một quy luật, cứ gần Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu trên các tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh ngày càng "nóng" với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tại nhiều tuyến biên giới cả trên bộ lẫn đường biển khu vực thành phố Móng Cái, hàng lậu vẫn tràn qua biên giới về Việt Nam tiêu thụ...

Thủ đoạn tinh vi

Các cơ quan chức năng càng kiểm soát gắt ga, các đối tượng buôn lậu cũng nhanh chóng thay đổi phương thức, thủ đoạn để "thích nghi" với tình hình.

Trên tuyến biển, các đối tượng dựa vào địa hình phức tạp như có nhiều đảo hoang, nhiều luồng lạch, cửa biển để ẩn nấp, di chuyển, lẩn trốn nên rất khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn.

Để đối phó với các lực lượng trên biển, các đối tượng này dùng tàu gỗ nhỏ trọng tải dưới 100 tấn lợi dụng khi trời có sương mù, đêm tối ẩn nấp tại các đảo hoặc trà trộn vào các phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân ở khu vực lòng Trần để đưa hàng hóa vượt sang biên giới.

Các đối tượng thường cất giấu hàng vào khoang máy, thành tàu sau đó che đậy, phủ lưới để ngụy trang nhằm che mắt các lực lượng tuần tra, kiểm soát. Thậm chí, các đối tượng còn cắt cử người để theo dõi và báo cho chúng hoạt động tuần tra của các lực lượng chức năng.

Hàng hóa xuất lậu thường là than, quặng, cá, sứa đã qua sơ chế và hàng nhập lậu thường là pháo, gạch men, thịt gia cầm.

Riêng đối với hoạt động buôn lậu, kinh doanh than trái phép, các đối tượng sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng của các đơn vị, cá nhân không đủ điều kiện kinh doanh than mỏ để hợp thức hóa hồ sơ vận chuyển bằng tàu vỏ sắt trọng tải từ 800-1.200 tấn trong nội địa sau đó đi vòng ra khu vực luồng quốc tế và lợi dụng đường phân định biên giới trên biển để di chuyển "vượt biên" tránh sự kiểm tra, bắt giữ của các lực lượng chức năng.

Trên tuyến đường bộ, nhất là tại các khu vực có địa hình phức tạp và các tuyến đường mòn trên biên giới như khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu Ka Long, Bắc Luân; khu vực đường biên giới từ km 1 đến km 3 thuộc địa phận các phường Ka Long, Ninh Dương, Hải Yên; khu vực Vàng Lầy thuộc phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, các đối tượng còn liều lĩnh hơn với đủ mọi phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt.

Trước kia hàng lậu từ bên kia biên giới Trung Quốc được cửu vạn “cõng” theo đường mòn đến một số điểm tập kết xung quanh thành phố Móng Cái, bốc lên ôtô và thẳng tiến vào sâu nội địa.

Nay dân buôn lậu xé lẻ hàng hóa, dùng đò vận chuyển qua sông, thuê cửu vạn vác hàng qua các đường mòn biên giới và thường tập trung vào nhóm hàng có thuế suất cao như quần áo may sẵn, phụ tùng xe đạp, xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, đầu thu tín hiệu kỹ thuật số, điện thoại di động, thuốc lá ngoại.

Sau đó, các "đầu nậu" đưa hàng lên xe môtô chở vào các chợ, bến xe, các nhà dân sát đường biên giới hoặc thuê xe ôm chở hàng nhằm trốn tránh lực lượng chức năng.

Nỗ lực chống buôn lậu

Gần 2,9 tấn mì chính, gần 220kg pháo các loại, hơn 5 tấn lá thuốc lá, 41.500 bao thuốc lá ngoại giả các loại và hơn 2.000 khẩu súng nhựa đồ chơi trẻ em bạo lực cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng giả như thuốc nhuộm tóc, dầu nhờn xe máy, nước tẩy rửa ôtô... là số lượng hàng nhập lậu, hàng cấm, kém chất lượng và hàng vi phạm thủ tục hải quan đã bị Đội kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải Quan tỉnh Quảng Ninh thu giữ trong năm 2009 và tiến hành tiêu hủy ngày 12/1 tại thành phố Móng Cái.

Trước đó, tại thành phố Hạ Long, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức tiêu hủy hàng giả, hàng nhái nhãn mác, hàng quá hạn sử dụng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do các đội quản lý thị trường bắt giữ trên địa bàn tỉnh trong năm 2009.

Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép trong những tháng cao điểm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2010, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho từng đơn vị, từng cán bộ, chiến sỹ làm công tác chống buôn lậu; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ biên phòng.

Các ngành chức năng phối hợp thường xuyên tuần tra kiểm soát khu vực biên giới, vùng biển không để hàng hóa thẩm lậu vào nội địa; xây dựng kế hoạch đấu tranh triệt phá tận gốc các đường dây buôn bán, vận chuyển hàng cấm từ nước ngoài vào Việt Nam./.

Mạnh Tú (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục