Nan giải vốn tái thiết

Nan giải vốn để tái thiết sau thảm họa ở Nhật Bản

Nhật Bản đang nỗ lực để khắc phục hậu quả động đất, tuy nhiên, các nỗ lực cứu trợ, tái thiết có thể trở ngại do khó khăn về tài chính.
Thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 đã tàn phá nhiều tỉnh ở phía Đông Bắc và Đông Nhật Bản, gây thiệt hại lớn về người và của cho các tỉnh trong khu vực này.

Tại thời điểm hiện nay, Chính phủ và người dân Nhật Bản đang nỗ lực để khắc phục các hậu quả của thảm họa này. Tuy nhiên, các nỗ lực cứu trợ và tái thiết có thể sẽ gặp trở ngại do các khó khăn về tài chính.

Để khắc phục khó khăn này, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ cắt giảm 20% ngân sách sử dụng để cung cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho dù đây là công cụ quan trọng trong chính sách ngoại giao của nước này.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” và nỗ lực huy động vốn của khu vực tư nhân để phục vụ cho các hoạt động tái thiết.

Thiệt hại khôn lường

Theo ước tính của Văn phòng Nội các Nhật Bản, thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 gây thiệt hại từ 16.000 đến 25.000 tỷ yen cho hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, trong đó có nhà ở, nhà máy và đường xá, ở 7 tỉnh (gồm Iwate, Miyagi, Fukushima, Hokkaido, Aomori, Ibaraki và Chiba), cao gấp nhiều lần so với con số 10.000 tỷ yen thiệt hại do trận động đất Hanshin năm 1995 gây ra.

Con số dự báo trên chưa bao gồm các ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng thiếu điện do một số nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện phải ngừng hoạt động sau động đất cũng như các thiệt hại khôn lường do cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 đang gặp sự cố ở tỉnh Fukushima.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo thiệt hại về mặt vật chất do thảm họa động đất và sóng thần cùng với sự cố hạt nhân có thể tương đương 3,3 đến 5,2% tổng GDP của Nhật Bản. Thảm họa trên có thể làm giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP của Nhật Bản từ 0,2% đến 0,6% trong quý 1 năm 2011 và 1,4% trong quý tiếp theo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân ở tỉnh Fukushima vẫn chưa có hồi kết và tình trạng thiếu hụt điện năng có thể kéo dài, nhất là trong mùa hè sắp tới, một số chuyên gia cho rằng thiệt hại thực tế có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với các con số dự báo trên.

Một quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng việc đo lường ảnh hưởng cuộc khủng hoảng hạt nhân là “cực kỳ khó khăn.”

Nan giải bài toán vốn

Để tài trợ cho các hoạt động cứu trợ và tái thiết sau trận động đất ngày 11/3, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ soạn thảo một số dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2011.

Phát biểu với các phóng viên hôm 7/4, ông Azuma Koshiishi, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền ở Thượng viện, cho biết các quan chức Chính phủ và các nghị sỹ cao cấp của DPJ vừa nhất trí về việc Chính phủ sẽ soạn thảo dự thảo ngân sách bổ sung thứ nhất có trị giá hơn 4.000 tỷ yen trong tháng này để tài trợ cho các hoạt động tái thiết ở khu vực Đông Bắc Nhật Bản.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano cho biết Chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về quy mô của ngân sách bổ sung lần thứ nhất nhưng việc chi khoảng 4.000 tỷ yen là một kịch bản có thể xảy ra.

Về phần mình, Tổng Thư ký DPJ Katsuya Okada nói ngân sách bổ sung sẽ “lớn hơn so với dự kiến ban đầu” bởi vì Chính phủ thấy cần phải đảm bảo với các nạn nhân của thảm họa kép này rằng họ có đủ tiền để chi trả cho các hoạt động cứu trợ và tái thiết.

Theo kế hoạch, tất cả các thành viên nội các và Ban Chấp hành DPJ sẽ nhóm họp vào ngày 10/4 để thảo luận chi tiết về các vấn đề liên quan tới dự thảo ngân sách bổ sung thứ nhất. Sau khi làm việc với các đảng đối lập, Chính phủ sẽ cố gắng trình dự thảo ngân sách bổ sung này lên Quốc hội trước kỳ nghỉ lễ dài ngày vào cuối tháng 4.

Trước đó, Chính phủ chỉ dự định soạn thảo ngân sách có trị giá hơn 3.000 tỷ yen. Tuy nhiên, Chính phủ đã thay đổi kế hoạch vì muốn chi tiền nhiều hơn để đẩy nhanh các hoạt động tái thiết và chi trả cho các hoạt động cứu trợ và tái thiết của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở khu vực thảm họa.

Trong bối cảnh tỷ lệ nợ công/GDP đã vượt ngưỡng 200%, cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ không phát hành trái phiếu bù đắp ngân sách để tài trợ cho dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ nhất. Ông Edano cho biết Chính phủ muốn soạn thảo ngân sách bổ sung lần thứ nhất từ tháng 4/2011 mà “không bị lệ thuộc vào việc phát hành trái phiếu.”

Để tài trợ cho dự thảo ngân sách bổ sung khổng lồ này, Chính phủ dự định sẽ chuyển khoảng 2.500 tỷ yen từ các quỹ dùng để duy trì tỷ lệ đóng góp cho quỹ trợ cấp hưu trí của Chính phủ trong tài khóa 2011 ở mức 50%. Quỹ trợ cấp hưu trí sẽ được bù đắp thông qua việc sử dụng nguồn tiền thu được từ các cuộc cải cách thuế trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ sử dụng số tiền mà DPJ dự định để tài trợ cho các cam kết chính sách trong cương lĩnh tranh cử như quỹ dùng để tăng trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các gia đình nuôi con nhỏ (208,5 tỷ yen) và chương trình xóa bỏ lệ phí đường cao tốc (120 tỷ yen) cho các hoạt động tái thiết. Ngoài ra, khoảng 800 tỷ yen trong quỹ dự trữ cho cuộc khủng hoảng kinh tế trong ngân sách cho tài khóa 2011 có thể sẽ được huy động để tài trợ cho dự thảo ngân sách bổ sung này.

Theo kế hoạch, các khoản chi đầu tiên sẽ chủ yếu sử dụng để thu dọn các đống đổ nát, xây dựng các căn nhà tạm, khôi phục các cơ sở công cộng và hạ tầng và tạo việc làm.

Một trở ngại chính cho việc thông qua dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ nhất là làm thế nào để thuyết phục các đảng đối lập ủng hộ các dự thảo ngân sách bổ sung trong bối cảnh kế hoạch thành lập chính phủ đại liên minh giữa DPJ và Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đảng đối lập lớn nhất ở Nhật Bản, của Thủ tướng Naoto Kan đã bị phá sản, trong khi phe đối lập vẫn đang kiểm soát Thượng viện.

Trước đó, vào cuối tháng 3, phe đối lập đã phản đối dự thảo ngân sách cho tài khóa 2011 có giá trị kỷ lục lên tới 92.410 tỷ yen. Cho dù dự thảo ngân sách này đã được thông qua nhờ liên minh cầm quyền vẫn giữ đa số ghế tại Hạ viện nhưng triển vọng Quốc hội thông qua các dự luật quan trọng liên quan tới dự thảo ngân sách này, trong đó có dự luật phát hành 38.210 tỷ yen trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách vẫn chưa rõ ràng.

Trong nỗ lực vượt qua trở ngại này, Chính phủ do DPJ lãnh đạo đã cam kết phản ảnh các đề xuất của LDP vào trong dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ nhất. Chánh Văn phòng Nội các đã chuyển thông điệp này tới LDP trong cuộc gặp với Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách LDP Shigeru Ishiba vào sáng 7/4.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Kan cũng phải nỗ lực dàn xếp trong nội bộ DPJ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông qua các dự thảo ngân sách ở Quốc hội bởi vì một số nghị sỹ DPJ vẫn phản đối việc xóa bỏ một số cam kết chính sách của đảng này.

Vốn tư nhân sẽ giữ vai trò quan trọng

Theo các nghị sỹ DPJ, nhiều khả năng Chính phủ sẽ soạn thảo các ngân sách bổ sung thứ hai và thứ ba, với tổng kinh phí lên tới 10.000 yen. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho các ngân sách bổ sung sau chắc chắn sẽ là vấn đề hóc búa.

Nhiều quan chức trong Chính phủ Nhật Bản tỏ ra thận trọng về việc phát hành trái phiếu bù đắp ngân sách do Thủ tướng Kan đã cam kết sẽ tái thiết nền chính công của nước này. Tuy nhiên, có khả năng Chính phủ sẽ vẫn phải phát hành trái phiếu để tài trợ cho các ngân sách bổ sung sau.

Để tránh phải phát hành trái phiếu, nhiều khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng xã hội ở các tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong thảm họa động đất và sóng thần vừa qua.

Trong số các dự án mà Chính phủ dự kiến gọi vốn của khu vực tư nhân gồm dự án tái thiết sân bay Sendai ở tỉnh Miyagi. Các dự án khác đang được xem xét bao gồm các dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải, cung cấp khí đốt và xây dựng cảng của các chính quyền địa phương.

Để thu hút vốn của khu vực tư nhân, Chính phủ dự định sẽ nhanh chóng thông qua dự luật sửa đổi về sáng kiến tài trợ tư nhân. Dự luật này cho phép khu vực tư nhân không chỉ tham gia góp vốn mà còn tham gia quản lý các dự án hạ tầng./.

Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục