Nâng biên độ tỷ giá - Một mũi tên trúng hai đích

Việc nâng tỷ giá lần này sẽ kích thích xuất khẩu, thu thêm ngoại tệ về để tăng nguồn cung, giúp cung cầu ngoại tệ xích lại gần nhau hơn.
Quyết định điều chỉnh tỷ giá mới đây của Ngân hàng Nhà nước đã giúp đưa tỷ giá chính thức gần hơn với tỷ giá trên thị trường tự do nhằm giảm bớt những giao dịch quanh co, ngoài luồng và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng.

Tạo niềm tin vào thị trường

Ngày đầu tiên (18/8) Ngân hàng Nhà nước áp dụng tỷ giá liên ngân hàng ở mức 18.932 đồng/USD, các ngân hàng đã lập tức điều chỉnh tỷ giá giao dịch. Với biên độ 3%, các ngân hàng có thể đẩy giá lên đến 19.500 đồng/USD. Tuy chưa có ngân hàng nào sử dụng hết biên độ nhưng tỷ giá giữa các ngân hàng có sự chệnh nhau đáng kể.

Tỷ giá của Vietcombank ngày 18/8 ở mức 19.245-19.310 đồng/USD, tăng từ 150-210 đồng so với trước đây. Eximbank lại có mức giá mua vào cao hơn hẳn khi niêm yết giá 19.290-19.310 đồng/USD. ACB 19.280-19.390 đồng/USD (mua vào-bán ra).

Trên thị trường tự do, giá USD có một mức tăng cực lớn so với nhịp điều của thời gian qua. Sáng 18/8, giá USD tự do ở Hà Nội ở mức 19.350-19.550 đồng/USD, tăng 200 đồng/USD.

Đại diện Eximbank cũng cho rằng: “Với việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ, tăng tỷ giá mua bán lên thì việc trao đổi ngoại tệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều." Tỷ giá tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đây là quyết định chính xác và kịp thời. Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn thiếu nguồn ngoại tệ. Việc nâng tỷ giá lần này sẽ kích thích xuất khẩu, thu thêm ngoại tệ về để tăng nguồn cung, giúp cung cầu ngoại tệ xích lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, theo ông Hà, để cân bằng cung-cầu ngoại tệ không chỉ dựa vào việc nâng tỷ giá mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn cung ngoại tệ, nhu cầu của doanh nghiệp.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần hóa cho biết, tình hình căng thẳng USD đã kéo dài cả tháng nay. Thậm chí, có những ngày, ngân hàng này đã rơi vào trạng thái bị âm nhưng việc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ là rất khó khăn. Vì thế, với quyết định mới này, dù bất ngờ nhưng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng dễ dàng hơn trong huy động USD.

Kích thích xuất khẩu, kiềm chế lạm phát

Xét về tác động dài hạn, một số doanh nghiệp tỏ ra rất ủng hộ quyết định này khi nó sẽ thúc đẩy mạnh hơn việc xuất khẩu và hạn chế nhập siêu đang gia tăng hiện nay. Việt Nam đã xác định lạm phát sẽ dừng ở một con số, việc cần thiết bây giờ là cần phải tính toán các chính sách mạnh hơn để thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng tín dụng thúc đẩy sản xuất, nới tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu là điều cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Thông Tấn cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa là thích hợp, giúp đưa tỷ giá chính thức gần hơn với tỷ giá trên thị trường tự do nhằm giảm bớt những giao dịch quanh co, ngoài luồng và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng.

Ông cho biết thêm, với quyết định này những doanh nghiệp xuất khẩu như doanh nghiệp của ông sẽ phấn khởi hơn. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc lợi nhuận tính ra Việt Nam đồng tăng lên.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu thì có phần lo ngại vì tỷ giá tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa nhập khẩu tăng, đồng nghĩa với sức mua có thể giảm.

Ông Đặng Minh Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà đưa ra ví dụ, nếu một đơn hàng nhập khẩu trị giá 500.000 USD vào thời điểm hiện nay có thể sẽ bị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng so khi chưa điều chỉnh tỷ giá. Đây cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp có nhiều mặt hàng nhập khẩu.

Dù vậy, tỷ giá tăng cũng sẽ giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là quyết định đúng hướng và tất yếu vì các chỉ số nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán trong thời gian qua đều dẫn tới việc phải điều chỉnh tỷ giá.

Một số chuyên gia cũng nhận định, những điều chỉnh trong chính sách tỷ giá trong thời gian gần đây cho thấy các cố gắng thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do, từ đó góp phần cân bằng cung - cầu và giảm bớt các hoạt động găm giữ và đầu cơ ngoại tệ trong nền kinh tế.

Đây là những điều chỉnh cần thiết và đúng hướng, đáp ứng cả nhu cầu thực tế trong quản lý nhà nước và kinh doanh của doanh nghiệp, lẫn phù hợp các nguyên tắc về lý thuyết tiền tệ./.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục