Nâng cảnh báo lên mức cao nhất để phòng, chống dịch trong bệnh viện

PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh không được chủ quan và phải đặt tình huống mức độ dịch và số lượng bệnh nhân có chiều hướng gia tăng phức tạp tại Bệnh viện K để chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Nâng cảnh báo lên mức cao nhất để phòng, chống dịch trong bệnh viện ảnh 1Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngay sau khi Bệnh viện K thông báo đóng cửa vì xuất hiện 10 ca mắc COVID-19, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Đội trưởng đội cơ động phản ứng nhanh của Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo Bệnh viện K.

Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh không được chủ quan và phải đặt tình huống mức độ dịch và số lượng bệnh nhân có chiều hướng gia tăng phức tạp tại Bệnh viện K để chủ động các biện pháp phòng ngừa.

Nhân dịp này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên:

- Xin Ông cho biết tình hình của Bệnh viện K hiện nay như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Hiện nay, chúng tôi đã nhận được văn bản báo cáo của Giám đốc Bệnh viện về việc tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân ở cả 3 cơ sở khám chữa bệnh của Bệnh viện K.

Theo báo cáo của Bệnh viện, làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện và qua đường dây nóng, Bệnh viện chủ động trong việc sàng lọc một số ca nghi ngờ theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Tiểu ban điều trị. Bệnh viện đã phát hiện một số ca nghi ngờ dương tính trong nhóm ở Khoa Gan-Mật-Tụy và trong nhóm người nhà bệnh nhân.

Do vậy, để ngăn chặn kịp thời dịch trong bệnh viện và tránh lây lan ra cộng đồng, Bệnh viện đã tạm thời dừng tiếp nhận bệnh nhân và thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

- Xin Ông cho biết bệnh viện đã phản ứng như thế nào sau khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Bệnh viện đã hết sức tích cực, việc đầu tiên là tạm ngưng nhận bệnh nhân mới đến, tiếp đó là tổ chức cách ly ngay các bệnh nhân ở khoa Gan-Mật-Tụy, nơi mà đã phát hiện ra các ca dương tính.

[Bệnh viện K thông tin về 10 trường hợp nghi nhiễm COVID-19]

Tiếp nữa là Bệnh viện tổ chức truy vết, xét nghiệm nhanh toàn bộ các nhân viên y tế trong bệnh viện, những người liên quan F1, F2 và đặc biệt là truy vết những người liên quan đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở Khoa Gan-Mật-Tụy của bệnh viện, cùng với các biện pháp về kiểm soát nhiễm khuẩn, biện pháp tăng cường chăm sóc và điều trị bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nặng, cùng với chuẩn bị công tác hậu cần trong trường hợp bị cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế và các Vụ, Cục liên quan phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo bệnh viện và các nhân viên chủ chốt của Bệnh viện K triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

- Xin Ông cho biết tình hình tại Bệnh viện K có căng thẳng hay không, xác định được nguồn lây hay chưa?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Chúng ta biết rằng trong đợt dịch này, chủng virus được tìm thấy ở một số trường hợp mắc đều có tốc độ lây lan rất nhanh. Hiện nay đã xác định được 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có cả bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân. Bệnh viện K đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội tiếp tục mở rộng xét nghiệm đến toàn bộ cán bộ, công nhân viên, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Chúng ta không được chủ quan và phải đặt tình huống mức độ dịch và số lượng bệnh nhân có chiều hướng gia tăng phức tạp tại Bệnh viện K để chủ động các biện pháp phòng ngừa.

- Theo Ông, cần làm gì để ngăn chặn làn sóng dịch tràn vào các bệnh viện?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Hiện nay các bệnh viện và cơ sở y tế đều đã tổ chức kiểm soát và cách ly theo quyết định 3088/QĐ-BYT về tiêu chí Bệnh viện an toàn.

Tuy nhiên, khi xuất hiện các ca bệnh, với tính chất phức tạp của diễn biến của dịch bệnh, các tỉnh, thành phố một mặt cần tích cực nâng mức cảnh báo lên trên 1 mức, đồng thời tiến hành các biện pháp chủ động ngăn ngừa để đẩy lùi sớm dịch bệnh.

Các bệnh viện có xuất hiện ca bệnh COVID-19 sẽ dừng tiếp nhận bệnh nhân để sàng lọc và phát hiện sớm các ca nhiễm trong bệnh viện khi không may để lọt ca bệnh này.

- Bộ Y tế đánh giá tình hình lần này so với các đợt dịch trước như thế nào, giải pháp nào để các bệnh viện an toàn trước dịch bệnh, thưa Ông?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê: Theo như Bộ trưởng Bộ Y tế đã nói, đợt dịch này và diễn biến đợt dịch này sẽ phức tạp hơn với chiều hướng khó khăn hơn các đợt dịch trước.

Nâng cảnh báo lên mức cao nhất để phòng, chống dịch trong bệnh viện ảnh 2Nhân viên y tế Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp giải thích, thông báo lệnh phong tỏa bệnh viện cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do các lãnh đạo Bộ Y tế cùng các Vụ, Cục của Bộ đi kiểm tra các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực biên giới Tây Nam, khu vực phía Bắc. Đại diện các Vụ, Cục của Bộ Y tế cũng đã tổ chức đi kiểm tra bệnh viện an toàn, thực hiện bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện về phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều văn bản, công điện đôn đốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương với thông điệp: “Tất cả các bệnh viện ở Việt Nam hãy nâng mức độ cảnh báo, cảnh giác lên mức cao nhất để phòng, chống dịch COVID-19.”

Về phía các bệnh viện, phải có các thông báo từ cổng, tổ chức cách ly, phân luồng bệnh nhân và đặc biệt coi các bệnh nhân đến đều là F0 để có các biện pháp phòng tránh phù hợp. Tất cả các bệnh nhân đến đều được sàng lọc và khai báo y tế.

Song song với đó, tổ chức sàng lọc xét nghiệm cho tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở các khu vực có dịch trong cộng đồng.

Với các bệnh viện ở khu vực chưa có dịch trong cộng đồng thì định kỳ 3 ngày/tuần phải xét nghiệm cho các bác sĩ tuyến đầu như ở phòng khám bệnh, khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo và các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong khu vực này.

Tất cả các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế về việc thực hiện giãn cách trong bệnh viện, thực hiện khuyến cáo Thông điệp 5K, hạn chế người nhà tới thăm bệnh nhân, tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện, kê giường bệnh giãn cách 2m.

Đối với các bệnh nhân mãn tính, các bệnh viện kê đơn thuốc tùy theo tình trạng bệnh và tối đa được kê đơn thuốc 3 tháng và Bảo hiểm y tế sẽ thanh toán, để họ không phải tới bệnh viện mà vẫn có thuốc.

Tất cả bệnh viện phải truyền thông để giảm người dân đến bệnh viện, nhất là giai đoạn dịch đang bùng phát, giảm việc thăm khám. Bên cạnh đó các bệnh viện phải tăng cường chất lượng xét nghiệm như chỉ đạo của Bộ Y tế; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo, thực hiện nghiêm đeo khẩu trang và phương tiện phòng hộ cá nhân theo như các văn bản quy định của Bộ Y tế hướng dẫn.

Bên cạnh đó, các Sở Y tế hướng dẫn chặt chẽ các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân. Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc quản lý nhân viên y tế, tránh lây dịch bệnh từ các những nhà hàng, quán bar, quán karaoke…

Đồng thời, lãnh đạo ngành y tế các địa phương phải quan tâm, động viên các nhân viên y tế để cùng nhau đồng lòng phòng, chống dịch bệnh, bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân lây bệnh để chống dịch hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh lây lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục