Nâng cao cạnh tranh XK cho các doanh nghiệp SME

Doanh nghiệp SME tham gia xuất khẩu còn hạn chế do sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, tiếp cận hỗ trợ thương mại thấp.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, mặc dù sự đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang tăng lên một cách nhanh chóng trong các năm qua, song sự hiện diện của khối doanh nghiệp này trong hoạt động xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do khả năng cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và tiếp cận dịch vụ hỗ trợ thương mại của các doanh nghiệp còn thấp.

Trên cơ sở đó, Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ đã thực hiện những hoạt động tài trợ cho khu vực doanh nghiệp SME Việt Nam thông qua Hiệp định hợp tác song phương tại Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiếng thương mại địa phương.”

Ngày 13/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã phối hợp với Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tổ chức lễ khởi động chương trình.

Được biết, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ tài trợ cho chương trình tổng kinh phí 3,9 triệu USD với thời gian thực hiện là 4 năm và Cục Xúc tiến thương mại sẽ là đơn vị chủ trì thược hiện theo phương thức Quốc gia điều hành (NEX).

Cả hai bên thống nhất, mục tiêu của chương trình hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, qua đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại trên phạm vi cả nước.

“Chương trình sẽ được thực hiện thông qua việc tăng cường năng lực cho 3 lĩnh vực, bao gồm: Các mạng lưới hỗ trợ tại miềm Bắc, Trung, Nam có khả năng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ thành lập Hội đồng xuất khẩu quốc gia; tăng cường năng lực cho Cục Xúc tiến thương mại, với vai trò dẫn đầu hệ thống xúc tiến thương mại quốc gia," ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết.

Bên cạnh đó, các sản phẩm xuất khẩu ưu tiên cho từng khu vực sẽ được xác định trong giai đoạn khởi động của chương trình ở năm đầu tiên, dựa trên cơ sở kết quả của báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu vùng.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng nhấn mạnh đề xuất 3 ngành hàng cần được hỗ trợ để phát triển theo chuỗi giá trị ngành là thủ công mỹ nghệ, trái cây, rau.

Bà Brigitte Bruhin, Phó giám đốc Quốc gia Hợp tác phát triển Kinh tế Văn phòng Hợp tác phát triển kinh tế, Đại sứ quán Thụy Sỹ, cho biết Chính phủ Thụy Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ đã thực hiện các chương trình hỗ trợ Việt Nam từ năm 1993.

"Trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia mới cho Việt Nam giai đoạn 2013 – 2016, Chính phủ Thụy Sỹ đã tái khẳng định về một cam kết hỗ trợ lâu dài cho Việt Nam nhằm đạt được sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Kết quả sẽ được thể hiện thông qua mức sống và chất lượng cuộc sống cao hơn, đóng góp vào các chương trình kinh tế," bà Brigitte Bruhin nhấn mạnh./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục