Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đảng cơ sở

Bên lề Đại hội Đảng XI, các đại biểu đã chia sẻ về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, phóng viên TTXVN đã gặp gỡ, phỏng vấn các đại biểu về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở.

Nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ công nhân


Thay mặt 135.000 cán bộ công nhân viên chức Tập đoàn Thanh khoáng sản Việt Nam vinh dự có mặt tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, đại biểu Đào Xuân Khích, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, cho biết với truyền thống kỷ luật và đồng tâm, trong suốt thời gian qua, công nhân mỏ vượt qua thách thức, thực hiện nhiệm vụ làm than cho Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh và đất nước.

Đại biểu Đào Xuân Khích bày tỏ mong muốn xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam - giai cấp tiên phong của Đảng, ngày càng vững mạnh. “Chúng tôi là những người công nhân mỏ, trước hết là làm sao phát huy được truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, người công nhân có trình độ, có kỷ luật, có tác phong lao động công nghiệp, có kinh nghiệm, có lòng yêu nước, yêu ngành, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho”- đại biểu chia sẻ.

Nhận định về nhận thức cũng như trình độ tay nghề bậc thợ của người công nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, đại biểu đề xuất cần tập trung vào các giải pháp lớn.

Trước hết là đầu tư nâng cao nhận thức cho công nhân theo hướng công nhân công nghiệp, công nghệ đổi mới. Làm trong ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, công nhân phải có tính kỷ luật cao mới đáp ứng yêu cầu phát triển định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng năng suất lao động, nâng hiệu quả kinh tế. Nếu làm được điều đó mới đáp ứng được yêu cầu phát triển lực lượng công nhân lao động trong tình hình mới, đại biểu khẳng định.

Tạo nguồn nhân lực mới đủ tầm

Đại biểu Võ Minh Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng mong muốn trong mỗi kỳ Đại hội, Đảng lớn mạnh hơn, đoàn kết, thống nhất để lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tin tưởng qua Đại hội này, với đường lối của Đảng sẽ đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững hơn.

“Đối với Sóc Trăng là một tỉnh nông nghiệp, mong phát triển nông nghiệp bền vững, áp dụng các tiến bộ khoa học giúp nông dân đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer sản xuất lúa và tôm có năng suất, chất lượng và hiệu quả tốt hơn. Sóc Trăng sẽ tập trung phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, để nông thôn phát triển tốt hơn, mọi người đều có việc làm và thu nhập tốt trong thời gian tới,” đại biểu chia sẻ.

Dự Đại hội XI, đại biểu cho biết, tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai mạnh để xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Hiện nay tỉnh đang rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp xã. Tỉnh sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, để có nguồn nhân lực mới, có đủ tầm, để phát triển nông nghiệp và nông thôn Sóc Trăng trong thời gian tới.

Thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá

Đại biểu Thào Xuân Sùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La bày tỏ, dự Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tôi rất vui mừng, tin tưởng về định hướng đã nêu trong Báo cáo do Tổng Bí thư trình bày tại Đại hội.

Thực tiễn trong những năm qua, Sơn La là một trong những tỉnh cùng với Điện Biên, Lai Châu đã thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á. Một trong những điều tâm đắc chúng tôi rút ra là hết sức coi trọng xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở nông thôn, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi mong muốn, cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng, củng cố tổ chức Đảng ở cơ sở, mà then chốt là tạo nguồn quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở có trình độ năng lực. Cần xác định 3 khâu đột phá: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Đối với tỉnh vùng dân tộc, việc triển khai 3 khâu đột phá trên phải được thực hiện động bộ, thì các tỉnh miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới có thể rút ngắn hơn khoảng cách về trình độ phát triển giữa miền núi và miền xuôi, vùng cao và vùng thấp.

Vì vậy quan điểm của chúng tôi là 5 năm tới, không thể nói là hỗ hợ bằng các chương trình mục tiêu mà xác định rõ phải đầu tư cho vùng miền núi dân tộc, biên giới, hải đảo, đầu tư cho vùng đó là thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục