Nâng cao chất lượng quyết định kế hoạch phát triển

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước của Quốc hội".
Ngày 31/8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước của Quốc hội".

Tham gia thảo luận tại hội thảo, các đại biểu dành thời gian trao đổi, thảo luận tập trung vào nhóm các vấn đề về kinh tế-xã hội, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm; chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước, quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất đai của cả nước; chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung làm rõ: nội dung chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và quyết toán ngân sách Nhà nước được thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội; Quốc hội quyết định các chỉ tiêu gì về kinh tế, xã hội, môi trường; Quy trình xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước; hiệu lực của các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước; những mặt được, chưa được trong việc Quốc hội thực hiện thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước.

Tham luận của phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Chuyên gia cao cấp của Quốc hội với tiêu đề “Đảm bảo thực quyền của Quốc hội trong quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội” đã nêu rõ: "Thực quyền của Quốc hội trong quyết định về kinh tế-xã hội chính là quyền lực thực sự, quyền lực theo chức năng phải được đảm bảo. Quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội là quyền và nghĩa vụ của Quốc hội, là thẩm quyền được quy định trong hiến pháp và luật định. Vấn đề đặt ra là công việc ấy đã được thực hiện như thế nào và làm gì để bảo đảm thực quyền và nâng cao chất lượng của các quyết định".

Giáo sư Đặng Văn Thanh cũng nêu rõ những yếu tố cho đảm bảo thực quyền của Quốc hội trong các quyết định về kinh tế-xã hội, trong đó có yêu cầu tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin phục vụ Quốc hội; đảm bảo mọi thông tin trình ra Quốc hội có độ tin cậy cao, được đánh giá bởi cơ quan chuyên môn độc lập.

Tham luận của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Lê Quốc Dung có tiêu đề “Một số vấn đề đặt ra trong thẩm tra và quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội của Quốc hội hàng năm” đề cập đến quá trình chuẩn bị, thực hiện thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và quyết định của Quốc hội về kinh tế-xã hội hàng năm thông qua hệ thống các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong Nghị quyết của Quốc hội, khẳng định vấn đề này là mang tính cốt lõi của các quyết định về kinh tế-xã hội.

Bởi vậy, việc rà soát xây dựng lựa chọn hệ thống các nhóm chỉ tiêu, các chỉ tiêu, nội dung các chỉ tiêu để trên cơ sở đó xác định các mức chỉ tiêu phù hợp từng giai đoạn là việc làm mới trong công tác thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, là cơ sở nền tảng để nâng cao chất lượng quyết định của Quốc hội trong lĩnh vực kinh tế-xã hội hàng năm./.
Hoàng Yến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục