Nâng cao chất lượng thông tin báo cáo và xử lý kiến nghị của người dân

Hệ thống tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân đã tiếp nhận, phân loại được 734/3.849 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý.
Nâng cao chất lượng thông tin báo cáo và xử lý kiến nghị của người dân ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 12/9, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ khai thác, sử dụng hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị và nghiệp vụ hệ thống hóa, rà soát, xây dựng, thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dự và phát biểu chỉ đạo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết hiện thực hóa chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, thay vì quản lý hành chính đơn thuần chuyển sang nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp nhằm công khai hóa các công việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, người dân.

Hệ thống tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách, những vướng mắc, rào cản, qua đó tổng hợp, tham mưu cho Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ. Những bức xúc của người dân, doanh nghiệp đều phản ánh tới người đứng đầu Chính phủ để chỉ đạo.

Cải cách thủ tục hành chính là một bước đột phá để xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động. Việc cải cách thủ tục hành chính tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ ở các cơ quan hành chính Trung ương và địa phương. Việc xây dựng kênh tương tác giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân cũng nhằm mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính.

"Then chốt là phải cải cách thủ tục hành chính bởi đây là giải pháp căn cơ để xây dựng cơ quan hành chính các cấp tốt hơn nữa, là tiền đề để xây dựng Chính phủ điện tử," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ khi vận hành, Hệ thống tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân đã tiếp nhận, phân loại được 734/3.849 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý; đã chuyển 370 phản ánh, kiến nghị tới các bộ, ngành, địa phương để xử lý theo thẩm quyền, trong đó số phản ánh, kiến nghị đã được xem xét, trả lời là 201/370, chiếm 54,32%; 364 phản ánh, kiến nghị còn lại đang được người dân cung cấp bổ sung thông tin.

Hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đã tiếp nhận, phân loại được 1.028 phản ánh, kiến nghị; đã chuyển 851 phản ánh, kiến nghi tới các bộ, ngành và 177 phản ánh, kiến nghị tới các Vụ chuyên môn thuộc Văn phòng Chính phủ để xử lý theo thẩm quyền, trong đó số phản ánh, kiến nghị đã được xem xét, trả lời là 808/1028, chiếm 78,6%.

“Khi Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ xây dựng Website Chính phủ với người dân, Thủ tướng hỏi lại Bộ trưởng 3 lần có làm được không, tôi báo cáo với Thủ tướng đây là kênh tương tác tốt nhất, rất cần thiết. Chúng ta dám làm và chúng ta phải làm, nhưng để làm phải quyết tâm rất cao vì giải quyết các khiếu nại, tố cáo, giải quyết vấn đề tranh chấp ở từng bìa rừng, góc biển”, Bộ trưởng cho hay.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khi tiếp nhận các ý kiến của Văn phòng Chính phủ chuyển đến, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, coi đó là nhiệm vụ Thủ tướng giao.

Nội dung trả lời của cơ quan nhà nước phải thẳng thắn, cụ thể vì nội dung này sẽ được đánh giá, chấm điểm tốt, xấu từ phía người có phản ánh, kiến nghị và được công khai trên mạng để ai cũng có thể truy cập được và giám sát kết quả giải quyết. Kênh này giúp cho các bộ, ngành, địa phương thấy rằng các văn bản, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương, của Chính phủ có khả thi, thực thi có tốt hay không, từ đó sửa đổi, bổ sung những bất cập, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.

[Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Kiểm soát quyền lực tốt bằng cách minh bạch]

Nhấn mạnh việc đơn giản hóa chế độ báo cáo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết qua rà soát, khảo sát thực tiễn ở các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ nhận thấy có rất nhiều bất cập trong việc thực hiện chế độ báo cáo như: số lượng báo cáo đồ sộ, công chức dành phần lớn thời gian để làm báo cáo thay vì thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thời gian này ở các bộ, ngành chiếm 25,04 %, địa phương chiếm 26,12% trong tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ của công chức.

Tuy mất nhiều thời gian, công sức như vậy nhưng chất lượng báo cáo không cao, số liệu thiếu tính chính xác (chủ yếu là số liệu tĩnh, không có số liệu thực), thiếu đồng bộ hoặc bị sao chép, những nhận xét, phân tích, đánh giá còn sơ sài; đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục tồn tại còn nghèo nàn, hình thức; chưa có các ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện báo cáo hoặc đã thực hiện nhưng còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 559/QĐ-TTg về đơn giản hóa chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Bộ trưởng cho rằng hội nghị tập huấn là cơ hội tốt để những người làm công tác tổng hợp, xử lý báo cáo và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong các cơ quan hành chính nhà nước cùng học tập, trau dồi nghiệp vụ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình, giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ một cách thuận lợi, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đã đề ra.

Tại hội nghị, đội ngũ những người làm công tác tổng hợp, xử lý báo cáo và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đã được hướng dẫn cụ thể về cách thức tiếp nhận, xử lý, khai thác dữ liệu trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, cũng như cách thức, phương pháp, trình tự thực hiện, phạm vi trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong việc hệ thống hóa, rà soát để từ đó xây dựng và tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa chế độ thông tin báo cáo của từng cơ quan hành chính nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục