Nâng cao chất lượng việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Nâng cao chất lượng việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ảnh 1Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 4/7, tại Hà Nội, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để thảo luận về kết quả 3 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị khóa XI "Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở."

Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tăng cường vai trò của truyền thông

Các đại biểu dự cuộc họp đánh giá sau 3 năm triển khai Kết luận số 120-KL/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tin gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các phong trào thi đua yêu nước.

Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân có nhiều chuyển biến.

Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình cơ sở có nhiều tiến bộ, đi vào chiều sâu. Dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở.

Cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" tiếp tục được thực hiện đồng bộ, cụ thể hơn, đạt hiệu quả. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước các cấp không ngừng được phát huy.

Bầu không khí dân chủ trong xã hội, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư được mở rộng; góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, kịp thời, chậm đổi mới, chưa thật sự sâu rộng, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, công tác thông tin nhằm tăng cường nhận thức đối với các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân chưa tương xứng.

Chính vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến quy chế dân chủ, cần tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin để báo chí nắm được, nhất là trong thời điểm Luật Tiếp cận thông tin đã có hiệu lực từ 1/7/2018.

Báo chí được cung cấp thông tin đầy đủ sẽ là kênh phản biện hữu hiệu đối với các thông tin sai lệch, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nêu rõ, trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển cũng cần chú trọng đến vai trò của mạng xã hội, bởi đây là kênh thông tin phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Cần có cơ chế để sử dụng mạng xã hội như một kênh cung cấp thông tin, tạo diễn đàn, định hướng dư luận xã hội.

[Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải ngày càng thực chất hơn]

Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu

Góp ý vào báo cáo 3 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần làm rõ những mối quan tâm của người dân trong liên hệ với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 3 năm qua.

Từ những thành quả phát triển kinh tế-xã hội tạo điều kiện tốt hơn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đến vấn đề xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, xử lý hiện tượng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, viên chức.

Phó Thủ tướng cho rằng thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng bị xử lý đã có tác động lớn tới suy nghĩ, nhận thức, hành động của cán bộ, chính quyền các cấp đối với thái độ, hành vi ứng xử hàng ngày.

Mặt khác người dân cũng có lòng tin để tiếp tục góp ý, tham gia xây dựng đảng, chính quyền.

Trong phần đánh giá chung, cần bổ sung, đánh giá công tác dân vận, thông tin đến người dân những vấn đề liên quan đến lợi ích của đất nước, dân tộc; làm rõ vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; xu hướng trên thế giới yêu cầu chính quyền phải công khai, minh bạch và tôn trọng người dân hơn…

Theo Phó Thủ tướng, trước hết các cấp chính quyền phải công khai, minh bạch trong các hoạt động, để người dân biết, tham gia. Hiện, nhiều địa phương làm chưa tốt việc này; chưa kể các cơ quan báo chí chưa được cơ quan nhà nước cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để tuyên truyền, thông tin đến người dân.

Phó Thủ tướng đề nghị báo cáo cần nhấn mạnh vấn đề cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và công chức, viên chức, nhất là trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ nhũng nhiễu người dân.

"Dân chủ phải đi cùng với tuân thủ pháp luật. Không chỉ tuyên truyền pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, cần tuyên truyền về pháp luật nói chung để người dân biết làm cái gì là đúng, cái gì là sai. Dân chủ phải đi đôi với pháp luật, tuân thủ pháp luật," Phó Thủ tướng nêu.

Kết luận cuộc họp, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tán thành với ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo và đề nghị báo cáo cần khái quát, làm rõ hơn bối cảnh thực hiện quy chế 3 năm qua đối với phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, đời sống nhân dân; đặc biệt là những vấn đề bức xúc được dư luận nhân dân quan tâm. Bởi, đây là giải pháp quan trọng để đảng, chính quyền thực hiện quy chế dân chủ gắn bó thực sự với nhân dân.

Người dân quan tâm tới sự thay đổi của chính quyền, theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ tốt hơn cho quyền, lợi ích của người dân.

Chính quyền phải lắng nghe nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân liên quan đến vấn đề phát triển đất nước, chủ quyền quốc gia, vị trí của Việt Nam đối với khu vực và thế giới.

Sự quan tâm đó đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, ghi nhận, xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Ba năm qua công tác này đã có bước phát triển, được người dân ghi nhận, đồng chí Trương Thị Mai chỉ rõ.

Bên cạnh đó, báo cáo cần chỉ rõ việc đổi mới phương thức hoạt động trong đảng, chính quyền đã góp phần thực hiện quy chế dân chủ.

Đổi mới trong Đảng là đấu tranh trực diện với tham nhũng, công khai, minh bạch trong xử lý cán bộ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đảng, Nhà nước cũng tiếp tục ban hành các văn bản để người dân trực tiếp tham gia như các Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII) và nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định sự tham gia của người dân để tham gia xây dựng chính sách.

Đối với công tác thông tin tuyên truyền thông qua báo chí và mạng xã hội, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ công tác này đổi mới sẽ góp phần để người dân có thể bày tỏ định hướng tốt hơn, tạo sự đồng thuận cao hơn trong việc ban hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thời gian qua, mạng xã hội đã có nhiều thông tin nhưng cũng có những nội dung không chính xác, cần có định hướng và tăng cường quản lý.

Liên quan đến phương hướng thực hiện Kết luận số 120-KL/TW thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh báo cáo cần nêu bối cảnh khái quát trong những năm tiếp theo, thách thức và cơ hội trong việc thực hiện quy chế dân chủ, trả lời được câu hỏi điều gì sẽ tác động để quy chế dân chủ đi vào thực chất, có hiệu quả tốt hơn, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền.

Người đứng đầu vững mạnh sẽ góp phần đưa việc thực hiện quy chế dân chủ đi vào thực chất; tăng cường việc tham gia của nhân dân vào cơ chế này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục