Nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp

16 tổ chức tín dụng và Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ngân hàng Việt Nam, chi nhánh TP.HCM ký kết bản ghi nhớ hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực.
Nâng cao hiệu quả chương trình tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Kết quả triển khai Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã góp phần giúp Thành phố Hồ Chí Minh đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14,69%, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 346.248 tỷ đồng. Từ đó, chương trình đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 8,3%.

Đây là thông tin được cho biết tại “Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 18/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tập trung sản phẩm chủ lực

Tại hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Song song đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên…

Theo ông Đào Minh Tú, ngành ngân hàng cũng nỗ lực kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngành ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng. 

Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.

Do đó, trong giai đoạn 2018-2020 sẽ là cơ hội tốt để tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh đầu tư mở rộng sản xuất ở lĩnh vực công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

[Phó Thống đốc NHNN: Lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ]

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong thời gian qua, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 3 chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tạo hiệu ứng lan tỏa và có tác dụng mạnh đến hoạt động doanh nghiệp.

Cụ thể, chương trình cho vay theo 5 nhóm ngành, lĩnh vực được triển khai từ năm 2013 dành cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với khoản vay ngắn hạn (hiện không quá 6,5%).

Tính đến cuối năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cho vay 36.241 khách hàng, với tổng số tiền đạt 158.070 tỷ đồng.

Còn Chương trình cho vay bình ổn thị trường, năm 2018 có 10 ngân hàng thương mại tham gia với tổng số tiền đăng ký cho vay là 17.800 tỷ đồng; trong đó, từ ngày 1/4/2018 đến 28/2/2019, chương trình này đã có 30 doanh nghiệp được cấp tín dụng ưu đãi với số tiền là 1.240 tỷ đồng.

Riêng Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, đến thời điểm 31/3/2019 các ngân hàng đã giải ngân số tiền là 9.1222 tỷ đồng cho vay 1.098 khách hàng.

Cởi mở tăng hạn mức tín dụng

Đánh giá cao kết quả đạt được của Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tuy nhiên ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ nhắm đến mục tiêu tăng năng suất mà còn hướng đến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn mực quốc tế để xuất khẩu gia tăng giá trị cao.

Chính vì vậy, ngành ngân hàng nên nghiên cứu, xem xét triển khai các gói “bao thanh toán” cho doanh nghiệp như ngoài việc căn cứ vào tài sản thế chấp để cung cấp hạn mức tín dụng, các ngân hàng thương mại có thể căn cứ vào hợp đồng cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp để hỗ trợ vốn.

Cụ thể, các doanh nghiệp ươm tạo đối với các nhà bán lẻ hiện đại như Saigon Co.op, Satra, Big C, LOTTE Mart, AEON… hoặc những nhà bán sỉ, đơn vị sản xuất phục vụ xuất khẩu… cần có chính sách hỗ trợ tín dụng tương ứng 70-80% giá trị hợp đồng.

Với cơ chế chính sách hỗ trợ vốn này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để sản xuất và cung cấp sản phẩm, giải quyết khó khăn về huy động vốn và điều tiết lượng vốn phù hợp. 

Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ phát triển chỉ áp dụng ưu đãi về lãi suất đối với các dự án đầu tư đổi mới công nghệ và quy mô lớn, trong khi tiềm lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ dừng lại ở đầu tư từng phần, cũng như nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, dù hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập các tổ chức Quỹ như Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả do hành lang pháp lý cho các Quỹ này hoạt động chưa hoàn thiện và còn một số bất cập. 

Trước tình trạng này, đại diện Công ty cổ phần Cơ khí Thương mại Đại Dũng kiến nghị, cần giảm một số chi phí trong lĩnh vực ngân hàng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp như hỗ trợ vốn lưu động cho các hợp đồng trong nước và xuất khẩu, phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng với nước ngoài, giảm tỷ lệ tài sản bảo đảm…

Đồng thời, cởi mở cho việc tăng hạn mức tín dụng theo tăng trưởng của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực. 

Liên quan đến Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ngành ngân hàng thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu vốn, dịch vụ cho doanh nghiệp phát triển.

Cùng với đó, ngành ngân hàng thành phố sẽ tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Thông qua đó, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh phát triển, gắn với chính sách lãi suất, chính sách tín dụng ưu đãi cho ngành nghề, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế.

Về phía các ngân hàng thương mại cũng cam kết rằng, trong thời gian tới dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở đưa các giải pháp tài chính, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế.

Đặc biệt, tại Hội nghị Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp lần này, đã kết nối 16 tổ chức tín dụng và Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ngân hàng Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Bản ghi nhớ về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục