Nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính vi mô

Nhận thức được vai trò và hiệu quả của hoạt động tài chính vi mô “bán chính thức”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan hữu quan đang xúc tiến đẩy nhanh việc chuyển đổi các tổ chức này thành tổ chức đủ tư cách pháp nhân để chuyên nghiệp hóa hoạt động của họ, mở rộng diện huy động vốn cho các dự án xóa đói giảm nghèo.

Nhận thức được vai trò và hiệu quả của hoạt động tài chính vi mô “bán chính thức”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan hữu quan đang xúc tiến đẩy nhanh việc chuyển đổi các tổ chức này thành tổ chức đủ tư cách pháp nhân để chuyên nghiệp hoá hoạt động của họ, mở rộng diện huy động vốn cho các dự án xoá đói giảm nghèo.
 
 Hoạt động tài chính vi mô được coi là “bán chính thức” bao gồm các chương trình dự án do các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước tài trợ, do các tổ chức đoàn thể thành lập từ ngân sách hoặc đóng góp của thành viên. Thời gian qua, hoạt động này được ghi nhận là thành công trong việc tiếp cận các sâu các đối tượng khách hàng nghèo và rất nghèo – nhóm khách hàng mà các tổ chức tài chính khác chưa tiếp cận được.

Trong khuôn khổ chương trình này, ngày 26/2, Nhóm Công tác tài chính vi mô Việt Nam thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo nhằm đánh giá hoạt động tài chính vi mô thời gian qua, chia sẻ thông tin về việc chính thức hóa hoạt động này.

Theo ông Trương Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), dù có ưu điểm về đối tượng khách hàng so với các tổ chức tài chính khác nhưng thị phần của hoạt động tài chính vi mô bán chính thức hiện mới chỉ chiếm 5-6% tổng giá trị từ các tổ chức có hoạt động tài chính vi mô cung cấp cho người nghèo.

Hạn chế lớn nhất của các chương trình, dự án tài chính vi mô này được chỉ ra là hoạt động thiếu chuyên nghiệp, năng lực quản trị điều hành yếu và quy mô vốn nhỏ do mới dừng lại ở các tổ chức phi chính phủ, chưa huy động được từ các tổ chức kinh tế có nguồn tài chính dồi dào hơn.

Bởi vậy, “nếu được chuyển đổi thành các tổ chức có tư cách pháp nhân để hoạt động theo Luật doanh nghiệp, các tổ chức này sẽ được bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong việc huy động vốn trên thị trường để có thể giúp đỡ được người nghèo nhiều hơn”, ông Trương Ngọc Anh nhận định và cho biết thêm hiện Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 3 bộ hồ sơ đề nghị chuyển đổi thành tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành tài chính vi mô, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện cũng đang hỗ trợ thành lập Hiệp hội Tài chính vi mô Việt Nam trên cơ sở Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam hiện nay. Hiệp hội sẽ là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tài chính vi mô, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có những đề xuất với Chính phủ liên quan đến hoạt động tài chính vi mô.

Cơ quan Phát triển Pháp (AFP) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cam kết hỗ trợ 3 triệu USD giúp ngành tài chính vi mô Việt Nam có được những tổ chức chuyên nghiệp, đủ năng lực hoạt động thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực.

Hiện nay, thị phần cho vay vi mô ở Việt Nam chủ yếu thuộc về khu vực chính thức bao gồm các tổ chức đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và thường xuyên quản lý, giám sát, hỗ trợ, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiếm tới 90%. Một tỷ lệ thị phần nhỏ thuộc về khu vực không chính thức, tức là các hình thức vay của họ hàng, láng giềng, cầm đồ./.

Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục