Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại các tập đoàn

Sáng 9/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Sáng 9/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (tính từ năm 2006 đến 31/12/2008).

Đánh giá về vị trí và vai trò của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế, Báo cáo giám sát nhận định: "Đa số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã kinh doanh có lãi; các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức độ thì khác nhau, nhưng nhìn tổng thể, vai trò của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước".

Về quy mô vốn, nhìn chung, quy mô vốn chủ sở hữu của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được bảo toàn và không ngừng tăng trong những năm qua. Đến cuối năm 2008 quy mô vốn tại các tập đoàn, tổng công ty đạt 485.600 tỷ đồng với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu tính chung trong ba năm 2006 - 2008 ở mức khá cao 46,5%.

Xét tổng thể, mặc dù tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty có xu hướng giảm dần, nhưng có thể đánh giá quy mô vốn nhà nước đã đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty là khá lớn, tạo điều kiện để các tập đoàn, tổng công ty mở rộng hoạt động.

Đến cuối năm 2006 chỉ có 4 tập đoàn có quy mô vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2007 đã có 6 tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỷ đồng và đến cuối năm 2008 có 7 tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỷ đồng.

Đối với hệ số an toàn vốn, theo số liệu tổng hợp trong 3 năm 2006 - 2008, tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty trong từng năm về cơ bản thấp hơn 3 lần. Trong năm 2006 hệ số này là 1,35 lần, năm 2007 là 1,4 lần và năm 2008 là 1,47 lần.

Doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty tăng từ 523.200 tỷ đồng cuối năm 2006 lên đến 866.600 tỷ đồng cuối năm 2008 tăng 65,6%. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 60.804 tỷ đồng cuối năm 2006 lên đến 69.300 tỷ đồng cuối năm 2008 tăng 13,9%.

Đánh giá tình hình hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), báo cáo nêu rõ tính đến 31/12/2008, SCIC đã tiếp nhận vốn nhà nước tại 892 doanh nghiệp, giá trị sổ sách phần vốn nhà nước là 6.925 tỷ đồng (chưa tính Vietcombank), giá trị thị trường hiện nay là khoảng 25.000 tỷ đồng tăng gần 4 lần.

Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn điều lệ bình quân dưới 10 tỷ đồng (khoảng 87% doanh nghiệp đã nhận bàn giao vốn), chỉ có khoảng 1,5% số doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng.

Doanh thu của SCIC năm 2006 là 144 tỷ đồng, năm 2007 là 1.272 tỷ đồng, năm 2008 là 2.204 tỷ đồng với lợi nhuận thực hiện trước thuế năm 2006 là 119 tỷ đồng, năm 2007 là 1.150 tỷ đồng, năm 2008 là 1.301 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn trên 100 tỷ đồng đa số kinh doanh có hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân trên 12%. Các doanh nghiệp còn lại hiệu quả chưa cao (45% doanh nghiệp hoạt động có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn 10% và gần 7% doanh nghiệp đang thua lỗ).

Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh để quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vốn và tài sản tại tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở hoàn thiện cơ chế phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc phải có một đầu mối chịu trách nhiệm chính theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt.

Thực hiện triệt để hơn tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp...

Minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) khẳng định mô hình Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là minh chứng cụ thể cho bước đổi mới căn bản trong phương thức quản lý doanh nghiệp của Việt Nam.

Đó là cách quản lý hành chính và quản lý kinh doanh nhà nước không còn can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp mà thông qua người đại diện tham gia quản trị doanh nghiệp theo đúng Luật Doanh nghiệp và quy tắc thị trường.

Đại biểu đã nêu bật những lợi thế mà các tập đoàn, tổng công ty đang được hưởng đó là được khai thác độc quyền nguồn tài nguyên của đất nước (xăng, dầu, điện, than...) và khẳng định từ đặc quyền này dẫn đến độc quyền trong hàng hóa dịch vụ như giá bán điện, xăng dầu đều do các tập đoàn, tổng công ty phân phối. Cùng với đó các tập đoàn, tổng công ty được đặc quyền về vốn, được Nhà nước rót vốn và hỗ trợ tối đa.

Tuy nhiên đại biểu nêu thực trạng các tập đoàn, tổng công ty có số vốn thực rất ít, phần lớn là vốn vay ngân hàng trong đó sử dụng đầu tư tràn lan vào những ngành nghề khác. Trong khi đó tỷ lệ lợi nhuận bình quân hằng năm của các tập đoàn, tổng công ty lại không được công khai minh bạch nên khó biết chính xác hiệu quả thực của việc sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.

Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng cần xem xét lại việc các tập đoàn, tổng công ty đầu tư, kinh doanh vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Để tránh tình trạng đa dạng hóa ngành nghề một cách tràn lan trong các tập đoàn, tổng công ty, đại biểu Mã Điều Cư đề nghị mỗi một doanh nghiệp phải có 1 lĩnh vực kinh doanh chuyên sâu trước khi mở rộng qua ngành nghề khác; lĩnh vực mở rộng phải có liên hệ với ngành sản xuất, kinh doanh chính.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị báo cáo kết quả giám sát cần bổ sung những đánh giá về ảnh hưởng và những tác động của các mô hình doanh nghiệp đối với việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước để từ đó Chính phủ có hướng điều chỉnh mô hình này hiệu quả hơn.

Về hoạt động của SCIC, đại biểu Hồng Hà khẳng định đây chính là nhân tố thúc đầy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên cơ chế hoạt động của SCIC còn nhiều bất cập, đó là sau khi chuyển đổi hình thức thì các công ty nhà nước sẽ chuyển phần vốn góp của nhà nước cho SCIC quản lý và đại diện. Như vậy đối với các tổng công ty do Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập sẽ không còn trách nhiệm quản lý vốn và nhân sự của các doanh nghiệp này, phát sinh khó khăn trong quản lý, sử dụng tài sản tại địa phương.

Cũng về hoạt động của SCIC, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị nên nghĩ tới việc tổ chức một số công ty kinh doanh vốn, không nên để một công ty làm việc này. Đại biểu đề nghị Chính phủ tổ chức xem xét lại xem còn bao nhiêu tập đoàn, công ty kinh doanh vốn, kéo dài tình trạng tràn lan như hiện nay là không ổn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục