Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công và đầu tư nước ngoài

Chiều 14/6, ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã "đăng đàn" trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công và đầu tư nước ngoài ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 14/6, ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã "đăng đàn" trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về các nội dung liên quan đến các giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đầu tư công

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Đình Cúc, Bà Rịa-Vũng Tàu đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về vấn đề hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo đại biểu Phạm Đình Cúc, tình trạng phân bổ vốn vẫn còn dàn trải, nhiều dự án bố trí vốn thấp, kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận trước đây, do hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ nên quản lý hiệu quả đầu tư công chưa đảm bảo dẫn đến đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, các dự án được phê duyệt vượt quá khả năng thu xếp vốn (thường gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn).

Để khắc phục tình trạng này, Luật Đầu tư công đã được ban hành để giảm đầu tư dàn trải với các quy trình chặt chẽ từ chọn lựa đến phê duyệt, thẩm định dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật vẫn có dự án bố trí không tập trung. Nguyên nhân là do nhu cầu về đầu tư phát triển của từng ngành, từng địa phương trong 5 năm lớn trong khi khả năng thu xếp vốn thấp hơn.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết tình trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các Bộ, ngành, địa khẳng định phương tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, định hướng về tái cơ cấu đầu tư. Các cấp, các ngành phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đầu tư công, các trình tự thủ tục từ chọn lọc dự án, thẩm định, phê duyệt phải được thực hiện nghiêm. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội bởi công tác này có ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư và hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm toán, kiểm tra, thanh tra và giám sát tất cả các khâu để đảm bảo các quyết định lựa chọn đầu tư cũng như bố trí vốn phù hợp với tình hình thực tế phát triển và khả năng thu xếp vốn của từng dự án.

[Quốc hội tiến hành chất vấn về 4 nhóm nội dung tại Kỳ họp thứ ba]

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết việc giao vốn hàng năm và 5 năm đã được quy định rõ trong Luật Đầu tư công. Theo đó, các quy trình được thiết kế chặt chẽ hơn, các cơ quan tham gia được lồng ghép nhiều hơn. Do đây là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các dự án nên các bộ, ngành, địa phương còn lúng túng thời gian đầu. Việc hướng dẫn các bộ, ngành trong đó có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư là chưa kịp thời, chậm, dẫn đến có cách hiểu khác nhau.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhu cầu lớn trong khi khả năng thu xếp, cân đối vốn hạn chế, nên phải co kéo, điều chỉnh các phương án, do vậy giao vốn chậm hơn so với thực tế. Từ đó, giải ngân chậm và ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.

Về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ trưởng thừa nhận Bộ chưa cương quyết, còn nể nang trong việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công cũng như các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp tục thu hút dự án đầu tư nước ngoài

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) là người thứ hai chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư. Đại biểu nêu rõ từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được 23.000 dự án đầu tư với vốn giải ngân thực hiện trên 160 tỷ USD.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế tuy nhiên, lĩnh vực này còn nhiều tồn tại. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, trốn thuế, chuyển giá, chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn, chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Vậy Chính phủ sẽ có giải pháp đồng bộ gì để khắc phục tồn tại trên nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư nước ngoài?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp của các dự án đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, còn nhiều mục tiêu đặt ra chưa đạt được như một số dự án không phải công nghệ cao; còn có sự chuyển giá; một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp còn nặng về gia công, sử dụng nhiều lao động, năng lượng gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư không phải vì những hạn chế này mà không tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài. Trong tổng đầu tư của toàn xã hội giai đoạn tới, đầu tư của nhà nước vẫn khó khăn, hạn hẹp nên phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân. Vì thế, chính sách định hướng là tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng đến những dự án áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, năng lượng, lao động và không tập trung vào lĩnh vực gia công...

Theo chương trình, sáng mai (15/6), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục