Nâng cao năng lực cạnh tranh: Các “công bộc” của dân đã sẵn sàng?

Nghị quyết có mạnh mẽ đến đâu, cuộc cải cách dù tiêu tốn biết bao chi phí về vật chất cũng như trí tuệ, song điều kiện tiên quyết để đi đến thành công đòi hỏi quyết tâm của những người trong cuộc.
Nâng cao năng lực cạnh tranh: Các “công bộc” của dân đã sẵn sàng? ảnh 1 Đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN)

Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó các bộ, cơ quan liên quan đã nhanh chóng vào cuộc, song một trong những vướng mắc lớn và cần sớm giải quyết, đó là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bên liên quan.

Một Nghị quyết có mạnh mẽ đến đâu, một cuộc cải cách dù tiêu tốn biết bao chi phí về vật chất cũng như trí tuệ, song điều kiện tiên quyết để đi đến thành công đòi hỏi phải có quyết tâm của những người trong cuộc.

Chấp nhận bỏ đi những “thói quen” thậm chí là những “lợi ích”, các công chức Nhà nước được ví như những “công bộc” của dân đã sẵn sàng?


Chạm tới “lõi” vấn đề là rất phức tạp

Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, vào mức trung bình thấp so với các nước ASEAN.

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2014 (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam ở vị trí 99/189 nước, trong khi Thái Lan xếp hạng 18 và Malaysia xếp hạng 6.

Đáng chú ý, tại Báo cáo này Việt Nam đã bị xếp hạng rất thấp ở các chỉ tiêu: khởi sự doanh nghiệp xếp hạng  ở vị trí 109, bảo vệ nhà đầu tư xếp hạng 157, tiếp cận sử dụng điện xếp hạng 156, nộp thuế xếp hạng 149.

Cụ thể, thời gian nộp thuế ở Việt Nam lên tới 872 giờ (chỉ tiêu nộp thuế: gồm thuế và bảo hiểm xã hội), trong khi ở Malaysia chỉ là 133 giờ, Philippines là 193 giờ.

Do đó, tại Nghị quyết 19-Chính phủ đã đặt ra một mục tiêu rất rõ ràng, trong giai đoạn 2014-2015, các quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian doanh nghiệp phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt ở mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 LÀ 171 giờ/năm.

Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết 19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giảm từ 263 thủ tục hành chính xuống còn 111 thủ tục (trong đó có 10 thủ tục liên quan đến khai báo của doanh nghiệp và 3 thủ tục quan trọng đã được cải tiến và trở nên rất đơn giản.)

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang thực hiện cải cách rất lớn đồng thời đã triển khai thí điểm khai báo bảo hiểm qua mạng internet và dự kiến từ 8/8 sẽ triển khai trên toàn quốc.

Thêm vào đó, một thay đổi căn bản khác là sổ bảo hiểm xã hội hiện nay đã được chuyển sang cho cơ quan bảo hiểm ghi sổ, như vậy doanh nghiệp chỉ khai báo một lần và khai báo bổ sung nếu có.

Ông Sinh khẳng định: “Việc đối chiếu giữa bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp cho kết quả nhìn chung là rất chính xác, bởi chế độ bảo hiểm xã hội tính rất đơn giản.”

Theo đó, kết quả khảo sát số giờ doanh nghiệp khai báo tham gia bảo hiểm xã hội được ghi nhận là đã giảm từ 335 giờ trước đây xuống chỉ còn 108 giờ tức là giảm gần 68%.

“Chương trình hành động là tiếp tục rà soát, song nếu muốn rà soát, cắt giảm tiếp chắc chắn chúng ta phải sửa Luật,” ông Sinh nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, “thủ tục nộp thuế (bao gồm thuế và bảo hiểm) theo kế hoạch đến tháng 12/2014 phải giảm xuống còn 354 giờ, nhưng sang đến tháng 6/2015 sẽ phải làm gì để đạt 171 giờ? Bắt đầu đi vào vấn đề ‘lõi’ là cực kỳ khó, song khó đến mấy thì chúng ta phải có giải pháp.”

Nâng cao năng lực cạnh tranh: Các “công bộc” của dân đã sẵn sàng? ảnh 2Hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài xuất cảnh. (Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN)

Mất đi một… “thói quen”

Theo ông Tuấn, nhóm thời gian liên quan đến doanh nghiệp phải tiếp và đáp ứng được thanh tra, kiểm tra rất mất thời gian để thực hiện đúng phương thức thanh tra kiểm tra theo quy định của luật pháp.

Thứ hai là thời gian giải quyết các vấn đề vướng mắc khiếu nại của doanh nghiệp khi mà hiện nay vẫn đang có tình trạng, doanh nghiệp khiếu nại song không biết hồ sơ của mình đang đi đến đâu, nằm ở đâu, bao giờ được giải quyết và thời gian chờ đợi khá rất dài.

Mặc dù các thủ tục nộp thuế đã được cắt giảm và đơn giản hóa, nhưng Thứ trưởng cũng chỉ ra, hiện việc kê khai thuế vẫn còn 6 loại tờ khai vượt so với quy định tiêu chuẩn của quốc tế. Như tờ khai bảng kê đầu ra, đầu vào khi thực hiện thuế giá trị gia tăng đa số các nước không có.

“Vậy ta có bỏ không? Chúng tôi xác định và phải chấp nhận những kinh nghiệm của cơ quan quốc tế, họ đã thực hiện như thế nào thì ta cũng phải làm như vậy,” ông Tuấn khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo tính bền vững. Bởi đến khi Việt Nam phấn đấu đạt được chuẩn mức trung bình của thời điểm này, thì lúc đó có thể chuẩn của thế giới lại nâng lên một mức khác cao hơn.

Bởi vậy, ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới đã thống nhất lập Dự án- Trong giai đoạn (2014-2016,) Ngân hàng thế giới cùng các nhà tài trợ sẽ giúp Tổng cục thuế thực hiện các mục tiêu: hoàn thiện chính sách thuế và quy trình hành chính thuế theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý về quản lý rủi ro trong thuế; nâng cao công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện cơ chế tính giờ, tính chi phí, đánh giá độ hài lòng đối với cơ quan thuế.

Bên cạnh yếu tố công nghệ, từ các nhà quản lý đến giới chuyên gia cũng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để cải thiện được môi trường kinh doanh chính là con người.

Ông Sơn cho biết, Bảo hiểm Xã hội sẽ tiếp tục đào tạo cho cán bộ chuyên trách làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và thực hiện chính sách cố định nhân sự làm công tác này cho thông thạo hơn, đặc biệt nhất là với các cán bộ làm việc giao dịch ở một cửa liên thông.

Thứ trưởng Tuấn cũng nhấn mạnh, giải pháp lâu dài đòi hỏi các đơn vị thực thi phải tích hợp phần mềm được với nhau để có thể thực hiện hành chính một cửa, theo đó doanh nghiệp sẽ chỉ sử dụng một chứng từ điện tử.

Trên cở sở chuẩn hóa phần mềm để kết nối được các bộ có liên quan, Việt Nam sẽ thực hiện một cửa quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, với mã số thống nhất, theo đó doanh nghiệp chỉ việc “ngồi ở nhà” để xin cấp giấy phép.

“Ban đầu ai cũng thấy trục trặc, bởi nó sẽ bị mất đi một 'thói quen,' ông cấp giấy phép mà không gặp được người xin cấp giấy phép cũng là mất đi một ‘thói quen,’” ông Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng thẳng thắn: “Tám bộ tham gia cấp phép cần có mã số thống nhất. Về thu thuế, Bảo hiểm xã hội kết hợp với Bộ Tài chính, song có dám chuyển đổi sang một cái mới cũng như mạnh dạn thừa nhận tiêu chuẩn kế toán của doanh nghiệp là tiêu chuẩn kế toán của nhà nước, để có thể bàn tính đến cá nhân mã số công dân thống nhất, mã số doanh nghiệp thể pháp nhân thống nhất, thậm chí nghiên cứu hai cơ quan thu lại thành một để thực hiện chung một nhiệm vụ (thu thuế-bảo hiểm xã hội) của doanh nghiệp”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục