Nâng cao năng lực nhà thầu: Việt Nam tự tin trên sân chơi quốc tế

Các nhà thầu Việt không chỉ chiếm lĩnh thị trường xây dựng nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu ngoại có tên tuổi.
Cảng nhập than Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Cảng nhập than Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Đóng góp vào sự phát triển vượt bậc của hạ tầng cơ sở, bộ mặt đô thị của đất nước những năm gần đây không thể không kể đến ngành xây dựng. Từ doanh thu chỉ đạt gần 5 tỷ USD và đơn thuần cung cấp nhân công thời điểm năm 2007, đến nay ngành này đã ở ngưỡng 13 tỷ USD chỉ tính riêng giá trị xây lắp.

Năng lực của các nhà thầu Việt là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng này. Cùng với cơ chế chính sách đổi mới tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khai thác được các lợi thế của nhà nước, sự nỗ lực không ngừng từ nội tại, các nhà thầu Việt không chỉ chiếm lĩnh thị trường xây dựng nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu ngoại có tên tuổi. Nhà thầu Việt đã có thể tự tin trên sân chơi quốc tế.

Dấu ấn qua các công trình

Lần đầu tiên, một công trình xây dựng trên 80 tầng, với chiều cao hơn 481m và là 1 trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới tại Việt Nam đã được triển khai và thi công bởi một nhà thầu trong nước. Sự kiện này đã đưa tên tuổi nhà thầu Việt Nam vào Top 50 nhà thầu trên thế giới có đủ khả năng thi công những công trình phức tạp nhất.

Cùng đó, hầm đường bộ Đèo Cả và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là 2 trong số 7 công trình xây dựng được gắn biển tiêu biểu và trọng điểm quốc gia. Đây cũng là những công trình xây dựng với quy mô lớn do các nhà thầu trong nước chủ trì phần thiết kế và thi công. Hàng loạt những công trình này là minh chứng rõ nét nhất khẳng định năng lực của các nhà thầu trong nước.

[Mở cánh cửa cho nhà thầu Việt ra thị trường xây dựng quốc tế]

Nhìn lại bức tranh cách đây 20 năm, nhà thầu xây dựng Việt Nam chủ yếu vẫn là cung cấp nhân công, ngay việc tham gia vào thị trường xây dựng nước ngoài cũng chỉ là cung cấp lao động, chưa làm chủ được các dự án công trình riêng.

Thế nhưng, cùng với sự phát triển của đất nước, các doanh nghiệp xây dựng đã có bước trưởng thành vượt bậc từ kỹ thuật công nghệ cho đến lực lượng xây dựng.

Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều nhà thầu Việt đã tiến xa về công nghệ, kỹ thuật. Các chuyên gia chia sẻ, trước kia, khi xây khách sạn Hà Nội với chiều cao 10 tầng, Việt Nam phải mời công ty nước ngoài vào thi công.

Còn hiện nay, các công trình xây dựng cao 30 đến 40 tầng có rất nhiều nhà thầu Việt Nam làm được. Đặc biệt, tháng 3/2018, Tập đoàn Coteccons cất nóc tòa nhà Landmark tại Thành phố Hồ Chí Minh với chiều cao tới 81 tầng (hơn 471m) đã lập nên một kỷ lục mới.

Đây là công trình cao thứ 10 thế giới ở thời điểm cất nóc và trước đây không ai dám nghĩ đến nhà thầu Việt sẽ thực hiện được - một lão thành trong ngành xây dựng nhận xét. Bởi trong quá trình thi công, có quá nhiều phần việc vô cùng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu lắp, nối cẩu, đưa lên độ cao và phải đảm bảo an toàn…

Sự kiện này cũng góp phần ghi danh tên tuổi nhà thầu Việt vào danh sách các nhà thầu tên tuổi trên thế giới. Còn nếu so với khu vực, với quy mô công trình tương đương ngay cả các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan, Singapore cũng chưa thực hiện được.

Hay như Tập đoàn Hòa Bình đã đảm nhận thi công thành công độ sâu tới 5-6 tầng hầm, tương đương chiều sâu 25-30m… Năng lực nhà thầu Việt được thử thách và chứng minh qua những công trình cao nhất, sâu nhất. Đây là bước ngoặt rất lớn, là tiền đề để các nhà thầu Việt có thể đảm nhận những công trình hạ tầng kỹ thuật cao như ga tàu điện ngầm…

Cùng với sự phát triển về kỹ thuật, công nghệ, việc quản lý cũng có sự thay đổi phù hợp với xu hướng của thế giới như đưa công nghệ BIM (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) để quản lý công trường hay tổng thầu thiết kế và thi công (D&B).

Dư địa phát triển lớn

Theo số liệu của thống kê, giá trị sản lượng thị trường xây dựng của 36 quốc gia nằm trong bảng xếp hạng có cơ hội phát triển đầu tư xây dựng lên đến hơn 11.000 tỷ USD; trong khi Việt Nam chỉ đạt gần 50 tỷ USD.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp xây dựng cho rằng, khi Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định làm chủ về công nghệ và tự tin về khả năng thì thị trường rộng lớn này sẽ là cơ hội mới. Cơ hội này không chỉ để doanh nghiệp xây dựng tiếp tục nâng cao năng lực mà còn là mảnh đất màu mỡ để mang lại nguồn lực mới cho quốc gia.

Một số chuyên gia nhận xét, trong khoảng thời gian 10-20 năm tới doanh nghiệp xây dựng vẫn còn có cơ hội phát triển lớn. Liên tục trong mấy năm gần đây, GDP tăng vượt mức yêu cầu, từ 6-7%; trong đó, tỷ lệ đóng góp của ngành xây dựng cũng ở mức khá, thường từ 11-12%.

Nâng cao năng lực nhà thầu: Việt Nam tự tin trên sân chơi quốc tế ảnh 1Hầm đường bộ Đèo Cả được gắn biển công trình chào mừng 60 năm truyền thống ngành Xây dựng. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Nhu cầu nhà ở, bộ mặt đô thị so với các nước đang phát triển trong khu vực thì Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải thiện. Vì vậy, công việc của ngành xây dựng vẫn còn lớn, dư địa nhiều. Nhìn sang một số quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore nhận thấy họ đã phát triển quá nhanh, đẹp, đầy đủ nên tốc độ xây dựng có thể chững lại. Như vậy, hoạt động xây lắp khó thuận lợi.

Với dư địa phát triển lớn, giàu tiềm năng, nhiều thử thách đang chờ nhà thầu Việt chinh phục. Điều này cũng tạo động lực rất lớn cho ngành xây dựng tiếp tục phát triển mạnh. Ngay trong việc hợp tác với nước ngoài, tư thế của nhà thầu Việt cũng đã khác nhiều.

Như trước kia, nhà thầu Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… đến Việt Nam chỉ để tìm thầu phụ cung cấp lao động. Hay những năm 90 của thế kỷ trước, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam vẫn cung cấp lao động đi Kuwait, Iraq theo hình thức lấy lao động nông nhàn, huấn luyện qua và xuất khẩu.

Còn hiện tại, trạng thái này đã thay đổi với hình thức là xuất khẩu xây dựng. Doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu được công nghệ kỹ thuật xây dựng và chứng tỏ được vị thế của mình trên đấu trường quốc tế.

Mới đây, Tập đoàn Taisei - một trong những đơn vị xây dựng hàng đầu Nhật Bản đã tìm đến và mời Coteccons ký hợp đồng hợp tác bình đẳng, cùng ăn chia. Điều này thể hiện sự thay đổi cách nhìn của nhà thầu nước ngoài bởi họ đã thấy được sự lớn mạnh của nhà thầu Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, thời gian tới vẫn cần chú ý để tạo thị phần vững chắc và củng cố năng lực cho các nhà thầu Việt Nam. Hiện thị phần xây lắp vẫn ổn định và ngày càng phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, thị phần cho nhà thầu thiết kế và tư vấn quản lý dự án cần được tăng thêm bởi đây là những hoạt động chưa mạnh. Cùng đó, ngành xây dựng cần phát triển nhiều mô hình vừa thiết kế, vừa thi công, đặc biệt là mô hình tổng thầu EPC, chìa khóa trao tay… để nhà thầu chiếm lĩnh trọn gói dự án từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo thiết bị.

Đặc biệt, các doanh nghiệp không nên hài lòng với thị trường trong nước mà cần chú ý đến thị trường nước ngoài và khu vực, nhất là với những lĩnh vực mà hoạt động xây dựng không còn dư địa như thủy điện để mở rộng địa bàn của mình.

Thách thức và trăn trở

Báo cáo của ngành xây dựng cho thấy, hiện 85% các dự án xây dựng lớn đã thuộc về các nhà thầu trong nước. Tuy nhiên, thách thức và trăn trở vẫn còn nhiều. Điển hình là việc nhà thầu Việt Nam luôn đóng vai thầu phụ cho các nhà thầu quốc tế ngay trên sân nhà. Đây cũng là trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp nội.

Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Dương Văn Cận nhận xét, hiện phần lớn các nhà thầu Việt đang bị hạn chế về mặt tài chính. Hầu hết các nhà thầu tư nhân thường có vốn nhỏ còn doanh nghiệp có vốn lớn thì lại do nhà nước nắm giữ phần chi phối.

Doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính thì sử dụng nguồn vốn lại cần phải có sự phê chuẩn của rất nhiều bước nên tốn thời gian. Khi đó, cơ hội cũng dễ dàng bị tuột mất. Cùng đó, một số chính sách thuế, tín dụng của Việt Nam lại chưa ưu đãi đối với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước.

Thừa nhận việc nhiều công trình lớn tại Việt Nam đều do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này và ông Cận lấy dự án sử dụng nguồn vốn ODA để phân tích.

Theo quy định, dự án có nguồn vốn tài trợ là nguồn ODA, quốc gia nào tài trợ thì nhà thầu của họ phải làm chủ thầu còn doanh nghiệp Việt Nam làm thầu phụ. Đây là điều kiện ràng buộc từ đầu để được vay vốn, nếu không đáp ứng được yêu cầu này tất nhiên sẽ không được tài trợ. Trong khi đó, hầu hết các công trình hạ tầng lớn của Việt Nam suốt một thời gian dài đều trông đợi cả vào nguồn vốn này - ông Cận cho hay.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp ước quốc tế với sự cạnh tranh gay gắt thì không thể có quy định mang tính hành chính, rào cản đối với doanh nghiệp và nhà thầu nước ngoài. Tuy vậy, vẫn cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam phát triển.

Hiện Chính phủ đã có một số cơ chế chính chính sách tương đối cơ bản. Doanh nghiệp trong nước được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng để thực hiện gói thầu của mình hay khi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới… Doanh nghiệp Việt nên tận dụng ưu điểm, lợi thế và tích hợp để cùng nhau làm việc lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục