Nâng cao năng lực quản lý và sử dụng đất than bùn

Đất than bùn ở Việt Nam chiếm 36.000ha, phân bố rải rác nhiều nơi trên cả nước, nhưng chủ yếu nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 16/8, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Tăng cường năng lực quốc gia về quản lý và sử dụng bền vững đất than bùn” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học đất than bùn.

Đây là Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ thực hiện dự án “Phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn ở khu vực Đông Nam Á” (gọi tắt là dự án Peatlands) do Ban thư ký ASEAN điều hành.

Mục đích của dự án là nhằm trình diễn, thực hiện và mở rộng quản lý bền vững và phục hồi đất than bùn ở Đông Nam Á.

Dự án Peatlands tập trung vào các hoạt động chính gồm tăng cường năng lực và khung thể chế cho quản lý bền vững đất than bùn; giảm thiểu suy thoái đất than bùn; quản lý tổng hợp và phục hồi các vùng đất than bùn đã được lựa chọn; thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào công tác quản lý đất than bùn một cách bền vững.

Hội thảo lần này nhằm nâng cao nhận thức và năng lực cho các bên liên quan về giá trị đa dạng sinh học, chức năng và vai trò của các vùng đất than bùn ở Việt Nam; đồng thời thảo luận, góp ý cho Dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về quản lý đất than bùn của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc, tiến sỹ Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định để quản lý bền vững đất than bùn của Việt Nam cũng như của khu vực Đông Nam Á, rất cần sự tham gia và hợp tác chặt chẽ của các đơn vị, cơ quan, các tổ chức và cá nhân liên quan, đặc biệt là Ban lãnh đạo và cộng đồng dân cư tại các điểm trình diễn là Vườn quốc gia U Minh Hạ và Vườn quốc gia U Minh Thượng.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động quản lý và sử dụng bền vững đất than bùn, thông qua hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực cho các cán bộ quản lý tại các cơ quan trung ương, địa phương và cộng đồng về các giá trị và chức năng của tài nguyên than bùn trong tương lai như không để vùng đất than bùn ngập nước quá suốt năm; tạo thêm các hồ chứa lớn để chủ động chống cháy rừng vào mùa khô; tăng cường công tác quản lý đất than bùn có sự tham gia của cộng đồng; tăng cường truyền thông về giá trị môi trường và tài nguyên tự nhiên của vùng đất than bùn; tăng cường năng lực quản lý cho cán bộ quản lý…

Ngoài ra, các vấn đề về hiện trạng đất than bùn Việt Nam và vùng U Minh (U Minh Hạ và U Minh Thượng), hiện trạng đa dạng sinh học và sự thay đổi các hệ sinh thái và đa dạng sinh học trên vùng đất than bùn, giá trị và chức năng của đất than bùn khu vực U Minh của đồng bằng sông Cửu Long cũng là các đề tài được các chuyên gia thảo luận sôi nổi.

Hiện nay, ở Đông Nam Á, diện tích đất than bùn chiếm 60% toàn bộ nguồn than bùn nhiệt đới. Trong đó, tổng số diện tích đất than bùn ở Indonesia có khoảng 21 triệu ha; Malaysia là quốc gia đứng thứ hai về diện tích đất than bùn với 2,5 triệu ha; tiếp đến là Thái Lan có diện tích đất than bùn tương đối nhỏ, chiếm khoảng 65.000ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

Đất than bùn ở Việt Nam chỉ chiếm 36.000ha và phân bố rải rác nhiều nơi trên cả nước, nhưng chủ yếu nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (trong rừng U Minh, thuộc các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang) với diện tích khoảng 24.000ha; trong đó, một diện tích lớn được chọn là các khu bảo tồn, đó là các Vườn Quốc Gia U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Ở Philipines có khoảng 11.000ha. Theo ước tính, diện tích đất bùn ở Lào khoảng từ 10 đến 20.000ha. Tại Campuchia, một số vùng đất than bùn tại vùng đầm lầy Bassac ở phía Nam Phnom Penh trong hệ thống sông Mekong và một số khác nằm ở xung quanh Biển Hồ. Trong khi đó tại Singapore, diện tích đất than bùn chỉ chiếm khoảng 1ha.

Các vùng đất than bùn có giá trị cao về kinh tế nhờ nguồn tài nguyên gỗ. Đây còn là bể chứa quan trọng hệ sinh thái thực vật đa dạng. Ngoài chức năng giảm đỉnh lũ và duy trì dòng chảy cơ bản của các dòng sông trong suốt mùa khô, vùng đất than bùn còn có ý nghĩa trong việc kiểm soát khí hậu toàn cầu.

Đặc biệt, đất than bùn trong khu vực ASEAN ước tính tích trữ khoảng 5% lượng cacbon có trên bề mặt Trái Đất.

Mặt khác, một khi các vùng đất than bùn bị khô hạn hoặc bị suy thoái, nó rất dễ bị cháy. Tại ASEAN, hiện tượng mây mù khói xuyên biên giới trong khu vực đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà nguyên nhân chính là do các vùng đất than bùn bị cháy gây ra.

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về phòng chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, Dự án khu vực ASEAN "Phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn trong khu vực Đông Nam Á" là một kết quả của Sáng kiến này đã được Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Quỹ quốc tế Phát triển Nông nghiệp (IFAD).

Các nước thành viên của dự án gồm Indonesia, Malaysia, Philipines và Việt Nam và hai nước tham gia dự án trong vai trò hỗ trợ kỹ thuật là Singapore và Brunei./.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục