Nâng cao năng suất bắt đầu từ mức độ thỏa mãn của lao động

Việc áp dụng các tiêu chuẩn để cải thiện môi trường làm việc và nâng cao sự hài lòng của người lao động là rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện hạn chế vốn, công nghệ...
Nâng cao năng suất bắt đầu từ mức độ thỏa mãn của lao động ảnh 1Hội thảo cuối kỳ Dự án “Hỗ trợ Đào tạo chuyên gia năng suất nhằm cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động,” ngày 14/3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án “Hỗ trợ Đào tạo chuyên gia năng suất nhằm cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động,” thuộc Chương trình Đối tác phát triển của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đi đến giai đoạn kết thúc sau 2 năm triển khai.

[Các doanh nghiệp CNTT Việt Nam 'đổ bộ' vào thị trường Nhật Bản]

Dự án này được thực hiện bởi Trung tâm Năng suất Nhật Bản và Viện Năng suất Việt Nam, tại khu vực Hà Nội và các vùng lân cận từ tháng 5/2017.

Ông Kobayashi Ryutaro, Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, ​dự án hướng mục tiêu vào cải thiện môi trường làm việc, thúc đẩy quản lý kinh doanh và đưa ra các giải pháp cho các vấn đề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phổ biến.

Từ quý 1/2017, ​dự án đã hỗ trợ 12 công ty nâng cao mức độ hài lòng của người lao động từ đó nâng cao năng suất lao động của họ. Sau quá trình thực hiện, ​dự án đã mang đến những chuyển biến tích cực về mặt tư duy không chỉ đội ngũ người lao động mà cả các cấp lãnh đạo.

Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Bình Minh TMC cho biết, “Dự án đã cải thiện một cách rõ rệt đội ngũ nhân lực của Công ty cả về chất và lượng đồng thời tăng cường khả năng tư duy của đội ngũ lao động trong quá trình sản xuất. Kết quả, doanh thu của Công ty và năng suất lao động đều tăng 10% so với thời điểm trước khi tham gia ​dự án.”

Nâng cao năng suất bắt đầu từ mức độ thỏa mãn của lao động ảnh 2Các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao năng suất lao động sau khi tham gia dự án (Ảnh: PV/Vietnam+)

​Hiện nay các công ty Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang phải đối mặt trước áp lực cạnh tranh quốc tế, trong khi đó lại thiếu trầm trọng các kỹ năng về tư vấn thực hành và đội ngũ nhân lực có thể giúp cải thiện hoạt động kinh doanh và chế đội phúc lợi cho người lao động. Do đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, “Dự án được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến rộng rãi và chương trình đào tạo các nhà lãnh đạo, những người có khả năng xây dựng và hiện thực hóa mô hình phát triển công ty hiện đại, sẽ được phía Việt Nam triển khai và nhân rộng.”

Thời gian qua, ​dự án đã hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng các tiêu chí để khảo sát người lao động cũng như những phương pháp thực hiện và bộ công cụ triển khai nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người lao động.

Ông Kobayashi nhấn mạnh: “Việc áp dụng các tiêu chuẩn để cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ hài lòng của người lao động là rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam ​- những doanh nghiệp đang phải đối mặt với những hạn chế về vốn đầu tư, công nghệ và con người. Dự án hỗ trợ đào tạo những chuyên gia lòng cốt, tạo nguồn nhân lực cho công tác triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và năng suất tại Việt Nam. Tôi tin tưởng, trong tương lai các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp nhận hỗ trợ và tư vấn với chất lượng cao từ các chuyên gia Việt Nam./.”

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Quốc gia Việt Nam
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục