Nâng cao nhận thức cho ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Việc quản lý nguồn lợi thủy sản tốt hơn sẽ hướng đến sự phát triển bền vững của nguồn lợi thủy sản, hài hòa với việc đánh bắt và khai thác của ngư dân.
Nâng cao nhận thức cho ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 13/6, tại Cảng cá Trần Đề, Ban Quản lý dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu tổ chức hội nghị "Nâng cao nhận thức cho ngư dân về bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven biển."

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về tầm quan trọng và giá trị của tài nguyên thiên nhiên; xác định được vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, giúp cho việc quản lý nguồn lợi thủy sản được tốt hơn, hướng đến sự phát triển bền vững của nguồn lợi thủy sản, hài hòa với việc đánh bắt và khai thác của ngư dân.

Tham dự hội nghị các ngư dân được thông tin về tình hình an ninh trật tự trên biển, công tác phòng chống lụt bão, các chính sách về kinh tế tập thể, chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian tới của Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt các đại biểu cùng nhau chia sẻ hiệu quả mô hình "Đồng quản lý" của người dân ven biển thị xã Vĩnh Châu giúp bảo vệ tốt rừng ngập mặn ven biển và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.

Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã vận động ngư dân thành lập tổ hợp tác tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản và xây dựng bến bãi an toàn. Việc thành lập các tổ hợp tác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đoàn kết lẫn nhau, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị của Chính phủ và các quy định của địa phương, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh vùng biển, góp phần giữ vững an ninh trật tự, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.

Thông qua các tổ hợp tác, việc bảo vệ nguồn lợi thủy  được tốt hơn, hiệu quả hơn, giúp cho ngư dân tổ chức quản lý tốt nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sinh và các nghề khai thác phù hợp theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 22 tổ hợp tác với 366 thành viên và 376 tàu trên địa bàn 3 huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu.

Thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng sẽ hỗ trợ các tổ hợp tác xây dựng phương án hợp tác kinh tế giữa các tàu cá trong tổ với tổ bạn, hướng dẫn và phổ biến nhân rộng các mô hình tổ chức khai thác thủy sản gắn với dịch vụ hậu cần, thường xuyên trao đổi nghề nghiệp và giúp đỡ nhau về kinh tế trong hoạt động khai thác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục