Nâng cao pháp luật lao động VN cho doanh nghiệp

Ngày 8/9, cuốn cẩm nang pháp luật lao động Việt Nam ra mắt độc giả để giúp các doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng luật lao động.
Ngày 8/9, Navigos Group - công ty tuyển dụng nhân sự cao cấp hàng đầu Việt Nam và Công ty Luật Russin & Vecchi của Mỹ đã ra mắt cuốn cẩm nang pháp luật lao động Việt Nam.

Cuốn cẩm nang này được biên soạn và cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp với mục đích giúp các nhà điều hành và quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiểu và áp dụng đúng pháp luật lao động vốn được xem là phức tạp và thường gây hiểu lầm trong quá trình thực thi.

"Chúng tôi tin rằng đây là một tài liệu hướng dẫn cần thiết cho bất kỳ công ty nào đang hoạt động tại Việt Nam hay có kế hoạch bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam," ông Vecchi, luật sư điều hành của Russin & Vecchi và bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Group cùng chia sẻ quan điểm.

Theo bà Vân Anh, luật lao động Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, vì thế, một vài qui định vẫn còn thiếu rõ ràng. Việc hiểu và áp dụng đúng pháp luật lao động Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp tránh được những tranh chấp lao động không đáng có và phát huy mục tiêu gìn giữ nhân tài cho doanh nghiệp.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây do Navigos Group thực hiện với hơn 14.000 người cho thấy, gần 80% người được hỏi khẳng định rằng họ sẽ không làm việc tại một công ty mà họ biết rằng công ty đó đang vi phạm pháp luật lao động.

Một kết quả khảo sát khác cho thấy 87% trong số hơn 8.000 người được hỏi tin rằng công ty mà họ đang làm việc chưa vận dụng đúng 100% tinh thần của pháp luật lao động.

Những kết quả khảo sát này chỉ ra rằng việc tuân thủ pháp luật lao động nên được xét đến như là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển các chiến lược giữ chân nhân tài.

Việc tuân thủ chưa đúng pháp luật lao động của doanh nghiệp đặc biệt về thời gian lao động, tiền lương cũng được xem là nguyên nhân của các tranh chấp lao động, đặc biệt là tình trạng đình công gia tăng trong thời gian qua.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2009, cả nước đã xảy ra gần 220 vụ đình công. Riêng bảy tháng đầu năm nay, số vụ đình công đã lên tới trên 200 vụ./.

Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục