Nâng cao sức cạnh tranh của DN Việt tại Campuchia

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Diễn đàn “Nâng cao khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia” đã được tổ chức.
Chiều 25/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng tổ chức Diễn đàn “Nâng cao khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia”.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã nghe các chuyên gia và doanh nghiệp trình bày thực trạng tình hình đầu tư vào Campuchia; những thuận lợi, khó khăn và giải pháp để thúc đẩy phát triển đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tham tán Thương mại Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Yev Kim Hean cho biết sự hợp tác trong mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Campuchia phát triển không ngừng theo từng năm.

Các chương trình xúc tiến đã tạo thời cơ cho doanh nghiệp, doanh nhân hai nước bàn bạc, trao đổi, tìm hiếu và tin tưởng nhau hơn, góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác trong các hoạt động đầu tư, dịch vụ, thương mại giữa hai nước.

Hiện có hơn 100 công ty Việt Nam đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Campuchia. Điển hình là những đơn vị có vốn đầu tư lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam; Công ty Cao su Dầu Tiếng, Bình Phước; Tổng Công ty Hàng không Vietnam Airlines; Công ty Viễn thông Viettel; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tổng Công ty Lương thực Vinafood 2; Ngân hàng Sacombank; Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV).

Trong năm 2009, Campuchia có 2 công ty đăng ký đầu tư vào Việt Nam là Công ty Bright Moon Group CO., LTD đầu tư xây nhà máy nước sạch tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, với vốn đầu tư 5 triệu USD và Công ty Fine Chea-Hùng Lợi CO.,LTD đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại tại thị trấn Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, có vốn đầu tư gần 90 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, đầu tư của Việt Nam vào Campuchia còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng, mong muốn và lợi thế so sánh về mặt địa lý của cả hai nước. Tính đến tháng 2 năm nay, tổng khối lượng đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đạt hơn 210 triệu USD với 39 dự án.

Trong đó chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, với 11 dự án, có ổng vốn gần 116 triệu USD; tiếp đó là dịch vụ, với 15 dự án, có tổng vốn đầu tư gần 60 triệu USD, cuối cùng là công nghiệp có 13 dự án với tổng vốn gần 36 triệu USD. Trong những tháng gần đây, các hoạt động hợp tác-đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia có bước phát triển đột biến.

Tại buổi tọa đàm giữa các bộ, ngành của Campuchia với các nhà đầu tư Việt Nam được tổ chức vào giữa tháng 8 vừa qua, đã có 11 doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Campuchia ký hợp đồng đầu tư, với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 460 triệu USD.

Trong số các hợp đồng đầu tư mới, có 5 dự án trong lĩnh vực sản xuất phân bón NPK, nhà máy sản xuất gạo xuất khẩu, cụm nhà máy sản xuất đường, ethanol, nhiệt điện, sản xuất đá xây dựng với tổng vốn lên đến gần 320 triệu USD.

Để hỗ trợ các dự án đầu tư, BIDV và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia đã ký hợp đồng hạn mức tín dụng khung, với giá trị 120 triệu USD.

Cũng trong thời gian này, có 3 dự án do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng giá trị gần 150 triệu USD. Đó là dự án mở rộng mạng lưới di động công nghệ GSM của Viettel, dự án trồng cao su của Công ty cổ phần Hoàng anh Gia Lai và Công ty Bất động sản C.T.

Ngoài những cam kết của các doanh nghiệp mới đàm phán trong buổi tọa đàm, các dự án trước đây thường có vốn ít và chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dịch vụ, hiệu quả chưa cao.

Theo các chuyên gia, để có thể nâng cao khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia, góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đúng với tiềm năng của cả hai bên, các doanh nghiệp Việt Nam cần được cung cấp và cập nhật thông tin kịp thời về tình hình kinh tế, chính trị, về chính sách, nhất là các chính sách kinh tế, xã hội của Campuchia.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần được hỗ trợ về nguồn vốn, ưu đãi về thuế và đào tạo lao động.

Chính phủ Campuchia cũng cần có những chính sách khắc phục những khó khăn trong vấn đề giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục