Nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp

Là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời các câu hỏi tập trung các vấn đề như phát huy gói kích cầu trong nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực, đưa khoa học kỹ thuật về với nông dân, tiêu thụ nông sản; phát triển và bảo vệ rừng.

Là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời các câu hỏi tập trung các vấn đề như phát huy gói kích cầu trong nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực, đưa khoa học kỹ thuật về với nông dân, tiêu thụ nông sản; phát triển và bảo vệ rừng.

Đưa kỹ sư về với đồng ruộng

Giải đáp về một số nông sản thua ngay trên sân nhà và việc đưa cán bộ khoa học kỹ thuật về với nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết để giải quyết vấn đề này, con đường chủ yếu là giúp bà con nâng cao năng suất, hiệu quả chủ yếu thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực, nâng cao cơ sở hạ tầng. Nội dung này đã được chỉ ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và đặc biệt tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 vừa qua.

Trong các loại nông sản của Việt Nam, có nhiều loại nông sản có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, thủy sản, gỗ. Năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu 14,5 tỷ USD - là nước xuất khẩu nông sản lớn.

Tuy nhiên, có một số loại nông sản không có lợi thế cạnh tranh nên mức sản xuất thấp, Việt Nam đã cố gắng phát huy nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu trong nước như bông, ngô, đỗ tương, thuốc lá, sữa và một số loại khác. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phấn đấu nâng cao cạnh tranh, phát huy lợi thế đã có, tạo việc làm cho nông dân, Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề nguồn nhân lực, Bộ trưởng thừa nhận hiện nay phần lớn các kỹ sư nông nghiệp chỉ làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường ở thành phố. Do đó cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà khoa học, kỹ sư về với đồng ruộng, với nông dân.

Bộ trưởng cho biết vừa qua Chính phủ đã có chủ trương mỗi xã có 1 cán bộ khuyến nông và một cán bộ thú y. Chủ trương này được thực hiện đã đưa 20.000 cán bộ, kỹ sư về các xã. Ngành nông nghiệp đã có chủ trương điều chuyển cán bộ kiểm lâm công tác tại các cơ quan tỉnh, huyện về công tác tại xã.

Hiện, Bộ đang tiếp tục kiến nghị để Nhà nước có chính sách cụ thể đưa cán bộ về công tác tại cơ sở. "Chúng ta cần có chính sách để khoa học về với đồng ruộng, về với nông dân", Bộ trưởng kết luận. Hiện nay, tỉnh An Giang đã có chính sách cụ thể khuyến khích đưa kỹ sư về xã.

Phát huy gói kích cầu trong nông nghiệp

Trả lời câu hỏi về việc sử dụng gói kích cầu của Chính phủ, Bộ trưởng Phát khẳng định trong chương trình cho vay ưu đãi, trong 336.000 tỷ đồng đã được rót vào nền kinh tế, có gần 60.000 tỷ đồng được dành trực tiếp cho nông dân vay.

Ngoài ra Chính phủ còn có chương trình cho vay không lãi suất riêng cho nông dân để mua vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng nhà; đồng thời Chính phủ đã dành một phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản để đầu tư cho các công trình nông nghiệp, Bộ trưởng Phát cho biết.

Cũng về sử dụng vốn kích cầu Bộ trưởng cho biết hiện nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu giúp dân thay máy bơm dầu bằng máy bơm điện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng đề án, Thủ tướng cũng đã có quyết định cho phép sử dụng vốn thuộc chương trình kích cầu để giúp cho bà còn thực hiện nguyện vọng này.

Mỗi tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được bố trí 60 tỷ đồng và hầu hết các tỉnh đã phân bổ xong số vốn này để triển khai thực hiện. Ngoài vấn đề kiên cố hóa kênh mương ở Đồng bằng sông Cửu Long còn có vấn đề tu bổ, kiên cố hóa bờ bao đê ngăn lũ.

Làm gì để phát triển rừng

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Doanh, tỉnh Gia Lai, về việc Bộ có chủ trương gì để 2010 đạt được chỉ tiêu độ che phủ rừng toàn quốc đạt từ 41 - 43%; trong đó Tây Nguyên là 65%, trong khi mỗi năm độ che phủ rừng chỉ tăng có 1%, Bộ trưởng cho biết hết năm 2008, cả nước có gần 13,2 triệu ha rừng, như vậy độ che phủ là 40,35%.

Tuy nhiên khi công bố chính thức Bộ đã loại ra 434.000 diện tích rừng mới trồng (vì mới trồng nên chưa có độ che phủ theo quy định của pháp luật nên chưa coi là rừng), do đó chỉ còn 39%. Sang năm, một nửa trong số đó sẽ được tính khi có độ che phủ nhất định.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận để đạt được chỉ tiêu 43% là rất khó khăn vì hàng năm đã khai thác rừng trồng khoảng hơn 100.000ha . “Dù thời gian còn không nhiều nhưng Bộ sẽ cố gắng phấn đấu thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao”, Bộ trưởng hứa.

Đề cập tới giải pháp, Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung vào giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng. Đối với rừng chuyển giao từ các lâm trường quốc doanh, chính quyền địa phương cần thực hiện theo lộ trình, đồng thời có sự kiểm soát chặt chẽ, các địa phương rà soát các dự án đã giao cho các thành phần kinh tế. Đối với nhân dân tiếp tục thực hiện hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, mặt khác tuyên truyền để bà con không vi phạm pháp luật.

Tập trung đầu tư những sản phẩm có thế mạnh

Về việc nhập nhiều ngô, gạo, muối trong khi Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng giải thích Việt Nam là thành viên của WTO với quyết tâm chủ động hội nhập về kinh tế vào nền kinh tế thế giới, phải tập trung phát huy lợi thế của đất nước.

Tuy nhiên, với những sản phẩm không có lợi thế, các ngành chức năng cố gắng áp dụng khoa học, hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất ở mức độ có lợi cho dân và cho nền kinh tế nói chung.

Đối với sản phẩm ngô, Việt Nam có thể tự túc được vì thế Bộ chỉ đạo ráo riết để áp dụng công nghệ, cải tiến giống ngô có năng suất cao hơn, có khả năng chống chịu sâu bệnh để trên cùng một diện tích có thể đạt nâng cao năng suất, sản lượng cao hơn tiến tới không phải nhập khẩu.

Đối với mặt hàng muối, Việt Nam có bờ biển dài, có khả năng sản xuất muối, tuy nhiên phương pháp sản xuất của nông dân vẫn là phương pháp cổ truyền, sản xuất công nghiệp còn ít. Những năm gần đây, Chính phủ quan tâm đầu tư, năm nay, đồng muối Quán Thẻ đi vào hoạt động, sản lượng muối tăng mạnh hơn, nên sẽ từng bước tự túc được sản phẩm muối trong nước.

Đồng tình với giải thích của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Dệt may Việt Nam xây dựng Chiến lược từng bước khắc phục tình trạng nhập nguyên phụ liệu dệt may, tăng cường xây dựng cơ sở sản xuất sợi tổng hợp.

Một số nông sản nguyên liệu khác Việt Nam có thế mạnh cần tập trung đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh, vươn ra thị trường bên ngoài. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán trao đổi với các đối tác về thương mại đưa nông sản Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.

Cần có cán bộ chuyên trách về nông nghiệp ở xã

Về việc cần có cán bộ chuyên trách nông nghiệp ở cấp xã, Bộ trưởng cho biết Bộ đã thấy rất rõ vấn đề này. Hệ thống chỉ đạo nông nghiệp của Việt Nam hiện nay chưa mạnh nhưng khá đồ sộ ở Trung ương và tỉnh, nhưng về huyện lại quy mô hơn với phòng nông nghiệp, trạm thú ý, hạt kiểm lâm, trung tâm giống, trạm khuyến nông, còn về đến xã thì không có cán bộ chuyên trách.

Bộ đã cùng với Bộ Nội vụ hướng dẫn đề nghị các xã hình thành Ban Nông nghiệp xã do Phó Chủ tịch xã phụ trách, điều phối hoạt động. Những cán bộ này là nòng cốt tham gia hướng dẫn, giúp dân, nhất là khi có dịch bệnh. Bộ trưởng đề nghị tăng cường mạnh bộ máy quản lý nông nghiệp cấp xã.

Cuối phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định lĩnh vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn luôn là vấn đề được cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm; nhiều câu hỏi đặt ra phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, Chủ tịch cũng cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra cần sự phối hợp quyết tâm thực hiện.

Chủ tịch đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ để có những giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện chủ trương này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục